Chưa đến một năm qua, nhiều dự án BOT giao thông phải tạm dừng thu phí hoặc chờ thanh lý hợp đồng. Vấn đề đáng quan tâm là sau khi các trạm này tạm dừng thu phí đã xuất hiện một số bất cập về giao thông và trách nhiệm trong duy tu, bảo dưỡng...
Chưa đến một năm qua, nhiều dự án BOT giao thông (xây dựng - khai thác - chuyển giao) phải tạm dừng thu phí hoặc chờ thanh lý hợp đồng. Vấn đề đáng quan tâm là sau khi các trạm này tạm dừng thu phí đã xuất hiện một số bất cập về giao thông cũng như tranh cãi về trách nhiệm trong duy tu, bảo dưỡng những tuyến đường này.
Bài 1: Nhiều trạm BOT tạm dừng thu phí để tính toán lại...
Từ cuối tháng 8-2020 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có 3 trạm thu phí BOT tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT). Đây là những dự án BOT lớn, nằm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm của tỉnh.
Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, TP.Biên Hòa) dừng thu phí từ ngày 24-8-2020, đến nay lưu lượng giao thông tại khu vực này tăng cao, phương tiện từ các nơi đổ về đông đúc. Ảnh: Võ Nguyên |
* Nhiều trạm tạm dừng hoạt động
Trước khả năng đầu tư vốn nhà nước vào các công trình giao thông còn eo hẹp, các dự án BOT đã phần nào giải tỏa gánh nặng cho ngân sách, nhất là các dự án trọng điểm. Trong nhiều năm qua, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều công trình giao thông theo hình thức BOT đã được triển khai xây dựng, bộ mặt hạ tầng giao thông thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều trạm BOT tại một số tỉnh, thành xảy ra một số vấn đề như: thu quá thời hạn cho phép, đường hư hỏng nhưng vẫn thu, kẹt xe nhưng không xả trạm… Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GT-VT tiến hành rà soát lại tất cả các trạm thu phí trên cả nước nhằm tiến hành thanh tra, kiểm tra những mặt còn hạn chế, tồn tại.
Theo Bộ GT-VT, thời gian thu phí đối với các dự án BOT trước năm 2011 sẽ được tính bằng vé thu phương tiện và chi phí tài chính. Tuy nhiên, để công bằng hơn những dự án sau năm 2011, thời gian thu sẽ được tính thêm lưu lượng phương tiện. Chính vì vậy, những dự án nào lưu lượng phương tiện tăng thì sẽ giảm thời gian thu phí. |
Tại Đồng Nai, gần nhất vào ngày 31-10-2020, Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K tiến hành tạm ngừng thu phí tại 2 trạm thu phí thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1K (đoạn từ km 2+487 đến km 12+971) trên địa phận tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BOT do liên danh 5 công ty thực hiện. Trong hợp đồng gốc được ký cách đây 14 năm, dự án có tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng, bao gồm 2 hạng mục chính là đoạn tuyến có chiều dài 10,5km với giá trị xây dựng 281,9 tỷ đồng và xây dựng cầu Hóa An mới. Kinh phí đầu tư dự án sẽ được thu hồi trong vòng 17 năm. Trong đó thời gian hoàn vốn là 14 năm, thu qua trạm Đồng Nai từ ngày 22-10-2007 và Bình Dương từ ngày 28-2-2008.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị này đã họp với Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K để tính toán xác định thời hạn thu phí của dự án. Các bên đã thống nhất chi phí bảo toàn vốn trong giai đoạn khai thác của dự án cần thực hiện theo kết luận của cơ quan kiểm toán, tạm thời chưa tính trong phương án tài chính để xác định thời gian thu phí của dự án. Trường hợp Kiểm toán Nhà nước có ý kiến khác, sẽ điều chỉnh phương án tính toán và cập nhật điều chỉnh hợp đồng theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K Nguyễn Ngọc Lân lý giải, theo hợp đồng năm 2003 và phụ lục hợp đồng thực hiện năm 2017 được ký kết giữa Bộ GT-VT thì dự án này chưa đến thời hạn dừng thu phí. Tuy nhiên, văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tạm dừng hoạt động nên đơn vị chấp nhận yêu cầu đưa ra để các đơn vị liên quan tính toán thời hạn cũng như tính pháp lý của dự án.
Trước đó, vào ngày 20-10-2020, Trạm thu phí BOT Tân Phú (đặt tại Km74+760 quốc lộ 20, đoạn thuộc H.Tân Phú) cũng đã tạm dừng thu phí sau hơn 10 năm hoạt động. Thời gian dự kiến thu phí và tính hoàn vốn tại hợp đồng dự án là ngày 1-1-2011. Nhưng ngày 16-10-2010, dự án đã bắt đầu thực hiện thu phí. Việc thu phí sớm tại đây đã được các đơn vị chấp thuận mốc thời gian bắt đầu thu phí. Tuy nhiên quyền được hưởng nguồn thu phí trong trong thời gian thu phí sớm chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
Theo các cơ quan chức năng, về lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công, chưa có đủ cơ sở pháp lý đưa chi phí này để tính toán vào phương án tài chính dự án. Do đó, trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Công ty CP BOT quốc lộ 20 tạm dừng thu phí tại BOT Tân Phú.
* Tính toán lại lưu lượng phương tiện, thời gian thu phí
Không chỉ riêng Đồng Nai mà thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã có nhiều dự án thu phí BOT đang thu phí nhưng phải tạm dừng hoạt động. Điểm chung của các dự án này là chưa thanh lý được hợp đồng, bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn như: lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay nên chưa xác định thời điểm dừng thu phí. Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động tạm dừng thu phí các dự án trên.
Ngày 31-10-2020, Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K tiến hành tạm ngừng thu phí tại Trạm thu phí BOT quốc lộ 1K (P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên |
Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (đặt tại Km1872 quốc lộ 1, TP.Biên Hòa) bắt đầu thu phí từ tháng 4-2015 để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) với thời gian thu phí kéo dài hơn 18 năm. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 năm sau khi hoạt động (cuối tháng 8-2020), dự án đã tạm dừng thu phí.
Nguyên nhân giảm thời gian thu phí dự án này là do việc tính toán sai lưu lượng xe lưu thông trên tuyến và xác định sai tổng mức đầu tư dự án. Cụ thể, khi ký kết phụ lục hợp đồng hai bên đã không căn cứ vào số liệu thu phí thực tế của tháng 4 và tháng 5-2015 tại Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai để tính toán phương án tài chính mà lại căn cứ vào kết quả đếm lưu lượng xe 3 ngày của tháng 7-2014 và 3 ngày đếm xe của tháng 11-2014 do đơn vị tư vấn thực hiện.
Điều này, theo Kiểm toán Nhà nước đã dẫn đến lưu lượng xe ghi trong phương án tài chính của phụ lục hợp đồng không sát với lưu lượng xe lưu thông thực tế. Ngoài ra, trong thời gian xây dựng dự án không tính đến nguồn thu phí tại Trạm thu phí BOT Sông Phan (tỉnh Bình Thuận) nên làm tăng tổng vốn đầu tư…
Qua kiểm tra thực tế đề án thu phí tại Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy việc theo dõi hạch toán doanh thu thu phí được nhà đầu tư quản lý chưa chặt chẽ nên dẫn đến việc kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn ở Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai (đơn vị quản lý Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai) cho biết, đây là trạm thu phí nằm trên trục giao thông quan trọng, là cửa ngõ phía Đông kết nối với TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi các tỉnh miền Tây Nam bộ nên lượng phương tiện lưu thông qua khu vực này rất lớn. Do đó, Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai có lưu lượng xe qua lại đạt từ 53-55 ngàn lượt xe/ngày đêm. Nhiều thời điểm lượng xe qua trạm lên đến khoảng 60 ngàn lượt phương tiện/ngày đêm, cao hơn nhiều lần so với những trạm thu phí khác trên cả nước.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường phân tích, kịch bản thu phí thực tế một số dự án BOT không giống như hợp đồng thực hiện ban đầu. Trong quá trình hoạt động, lưu lượng phương tiện tăng dẫn đến doanh thu đạt sớm hơn so với thời gian thu phí dự án nên phải thương thảo lại với nhà đầu tư.
Sự “xê dịch” về số phương tiện qua các trạm BOT vượt quá dự toán ban đầu. Do đó, việc tạm dừng hoạt động của các trạm thu phí để các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra là rất cần thiết. Nếu không tạm dừng thu phí, sẽ dẫn đến việc thu quá, vi phạm pháp luật.
Liên quan đến dự án thu phí trên quốc lộ 20, năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá việc sử dụng Trạm thu phí BOT Tân Phú để hoàn vốn cho dự án (vốn nằm hoàn toàn ở tỉnh Lâm Đồng) là không phù hợp nên đã có văn bản kiến nghị Bộ GT-VT xem xét di dời trạm thu phí trên khỏi địa phận tỉnh Đồng Nai, tránh việc các phương tiện không đi qua dự án nhưng vẫn phải mua vé qua trạm. |
Võ Nguyên
Bài 2: Đường xuống cấp, trách nhiệm thuộc về ai?