Vu khống là hành vi bịa đặt thông tin sai sự thật về người khác, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích chính đáng của người bị vu khống. Việc vu khống đối với người khác không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khi họ tiếp nhận thông tin sai lệch mà người thực hiện hành vi bịa đặt đã lan truyền.
Vu khống là hành vi bịa đặt thông tin sai sự thật về người khác, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích chính đáng của người bị vu khống. Việc vu khống đối với người khác không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khi họ tiếp nhận thông tin sai lệch mà người thực hiện hành vi bịa đặt đã lan truyền.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa phải, Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân vấn đề tranh chấp dân sự (Ảnh minh họa). Ảnh: Đoàn Phú |
Bộ luật Hình sự năm 2015 (gọi tắt là BLHS) quy định, người nào bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt hành chính, thậm chí còn bị truy tố hình sự.
* Tố cáo lừa tiền, tình không dễ
Vượt đoạn đường xa trên 400km, bà N.T.P. (H.Eahleo, tỉnh Đắk Lắk) tìm đến Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai nhờ tư vấn quy trình tố cáo người tình là ông L.V.V. (ngụ TP.Biên Hòa) lừa tiền, tình. Bà P. trình bày, trong thời gian quen biết với ông V., bà đã cho ông mượn hơn 400 triệu đồng để tìm việc khi 2 người sống chung như vợ chồng. Sau nhiều lần đòi, ông V. không trả tiền mà còn tắt điện thoại, tránh mặt bà.
Bà P. chỉ cung cấp được chứng cứ là tin nhắn qua lại giữa bà và ông V. về chuyện tiền nong trong quá trình chung sống, chứ không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh hành vi lừa tiền, lừa tình của ông V. như: giấy vay mượn tiền, chứng cứ về việc cưỡng ép bà chung sống trái pháp luật…
Do đó, luật sư của Hội Luật gia tỉnh đã giải thích cho bà rõ là không đủ cơ sở tố cáo ông P. phạm tội lừa tiền, tình. Vì việc chung sống như vợ chồng giữa 2 người trên tinh thần tự nguyện khi cả 2 đã ly dị vợ, ly dị chồng nên không vi phạm pháp luật. Đồng thời, trong quá trình chung sống, hai bên có quyền dùng tài sản riêng của mình lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ nhau trên tinh thần tự nguyện, không bị cưỡng ép là điều bình thường. Vấn đề này nếu có phát sinh tranh chấp là tranh chấp dân sự nên bà có quyền khởi kiện dân sự ông V. ra tòa án để đòi tiền.
“Việc tố cáo ông V. lừa đảo tiền, tình phải có cơ sở chứng minh thì bà mới đòi được tiền và ông V. mới bị xử lý hình sự. Ngược lại, một khi không có đủ chứng cứ bà không những không đòi được tiền mà còn có thể bị ông V. tố ngược bà về tội vu khống”- luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh lưu ý bà P.
* Coi chừng phạm tội vu khống
Tương tự là trường hợp của bà H.L.N. (ngụ TP.Biên Hòa). Sau khi ly hôn với bà N., ông Đ.K.L. lấy vợ khác (có đăng ký kết hôn) nhưng vẫn qua lại, chung sống với bà N. Trong thời gian này, ông L. mượn bà N. 450 triệu đồng cho người em trai mua đất, nhưng khi người em trai trả tiền, ông không đưa cho bà N. mà giữ lấy tiêu xài hết. Từ đó, cả 2 lục đục và ông L. quay lại sống với người vợ sau nên bà N. muốn kiện ông chồng cũ về tội lừa đảo tiền, tình. Trong khi người vợ sau của ông L. đe dọa kiện bà N. về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Luật sư Nguyễn Đức cho hay, bà N. tố cáo ông L. lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ không có cơ sở, vì giao dịch cho mượn tiền giữa 2 người chỉ là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, người vợ sau của ông L. có quyền tố cáo bà N. về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182, BLHS.
“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn, chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm” - luật sư Nguyễn Đức nói.
Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Đức, khi tố cáo chồng hoặc vợ vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì người vợ hoặc chồng phải có chứng cứ, người phạm tội phải có dấu hiệu cấu thành tội phạm về mặt chủ quan, khách quan, chủ thể của tội phạm… thì cơ quan tố tụng mới thụ lý, đủ cơ sở định tội. Do đó, khi muốn tố cáo ai về tội gì phải có bằng chứng chứ không thể nói suông. Ngược lại, không có bằng chứng chứng minh thì người bị tố cáo có thể tố ngược lại người tố cáo phạm tội vu khống.
Theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 100-300 ngàn đồng. Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 156, BLHS quy định, người nào có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Đoàn Phú