Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để các câu lạc bộ hiệp sĩ phát triển tự phát

09:03, 16/03/2021

Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) phát triển đã huy động được sức mạnh của nhiều người dân, hình thành nên nhiều mô hình tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm hoạt động theo kiểu tự phát, tự quản.

Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) phát triển đã huy động được sức mạnh của nhiều người dân, hình thành nên nhiều mô hình tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm hoạt động theo kiểu tự phát, tự quản. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có sự quản lý thống nhất của Nhà nước để định hướng và hướng dẫn hoạt động đúng pháp luật.

Công an TP.Biên Hòa kiểm tra và trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ phòng chống tội phạm với Đội Xung kích phòng chống tội phạm và hỗ trợ giao thông của thành phố. Ảnh: Minh Đức
Công an TP.Biên Hòa kiểm tra và trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ phòng chống tội phạm với Đội Xung kích phòng chống tội phạm và hỗ trợ giao thông của thành phố. Ảnh: Minh Đức

* Còn nhiều “hiệp sĩ” đường phố hoạt động tự phát

TP.Biên Hòa là địa phương đầu tiên và duy nhất của tỉnh hiện có mô hình CLB Phòng, chống tội phạm (PCTP). Cụ thể là Đội Xung kích PCTP và hỗ trợ giao thông (do Công an TP.Biên Hòa trực tiếp quản lý) và 8 CLB PCTP (ở các phường: Long Bình, Long Bình Tân, An Bình, Trảng Dài, Bửu Long, Thống Nhất, Tân Hiệp, Tân Hòa) do chủ tịch UBND các phường quản lý. Từ khi được thành lập, các CLB PCTP đã phát huy được hiệu quả, trở thành một trong những mô hình góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Từ những thành công của các CLB PCTP, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hội, nhóm, đội, CLB, “hiệp sĩ”… hoạt động tự phát cũng với mục đích PCTP và hỗ trợ người dân nhưng hoạt động chưa được sự công nhận, tập hợp đông người, có trường hợp vi phạm pháp luật, tự trang bị các công cụ hỗ trợ không được phép sử dụng, tự giải quyết hoặc làm thay nhiệm vụ của công an, giới thiệu hoạt động trên các trang mạng xã hội gây nhầm lẫn, trang bị quần áo gây ngộ nhận với người dân là lực lượng của Nhà nước, công an có chức năng PCTP.

Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an TP.Biên Hòa cho biết, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở thành phố phát triển rất sôi nổi. Nhiều cá nhân tích cực, với tinh thần nhiệt huyết, đam mê “nghĩa hiệp” tự giác tham gia PCTP và hỗ trợ nhân dân. Đây là nhu cầu thực tế của không ít người dân. Cho thấy hiệu quả cao của việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ mà chính quyền, công an thực hiện. Nhiều người dân nhận thức được việc PCTP không chỉ là trách nhiệm của công an mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Phong trào càng phát triển càng đáng mừng nên cần có sự khích lệ, động viên.

Tuy nhiên, hiện đa số hội, nhóm, CLB hoạt động theo kiểu “tự thành lập”, “tự phát, tự quản” không có sự định hướng hoạt động của chính quyền, công an nên chưa phát huy được khả năng cao nhất và có thể vì nhiệt tình mà vi phạm pháp luật hoặc gặp rủi ro trong quá trình truy đuổi tội phạm.

Một nhóm “hiệp sĩ” tự trang bị công cụ hỗ trợ dùi cui cao su không được phép sử dụng. Ảnh: Minh Đức
Một nhóm “hiệp sĩ” tự trang bị công cụ hỗ trợ dùi cui cao su không được phép sử dụng. Ảnh: Minh Đức

* Cần giải quyết những bất cập

Trên địa bàn tỉnh hiện đang hoạt động hơn 10 nhóm “hỗ trợ nhân dân”, “SOS” hoạt động tự phát. Mỗi một nhóm, hội, nhóm... tự phát lại tự phân chia địa bàn rồi tự chia nhau nhiệm vụ; sử dụng mạng xã hội để giới thiệu hình ảnh và ngày đêm âm thầm tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của nhân dân thực hiện một cách tự nguyện.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, một “hiệp sĩ” nhóm “SOS” tự phát trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều hội, nhóm thành lập để giúp đỡ người dân và PCTP nên anh cũng muốn tham gia vì cộng đồng. Anh đã quy tụ nhiều cá nhân có chung tinh thần “nghĩa hiệp” thành lập nhóm, đăng thông tin và số điện thoại trên mạng xã hội, khi người dân cần thì liên hệ sẽ có người giúp. Về định hướng, cách thức hoạt động thì người có kinh nghiệm trong nhóm hướng dẫn và tự học là chính. Nhiều lúc thấy đối tượng khả nghi trộm cướp cũng không biết phải làm thế nào nên nhóm cũng muốn cơ quan công an hướng dẫn, xã hội công nhận để tham gia tốt hơn.

Về nội dung này, một cán bộ Tỉnh đoàn chia sẻ, hiện nay Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã có quyết định công nhận và duy trì hoạt động của 13 đội hình thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông và CLB Hỗ trợ và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ. Để theo sát hoạt động của các “hiệp sĩ” và định hướng, phối hợp thế nào cho hiệu quả, đúng pháp luật thì Tỉnh đoàn đang gặp khó khăn. Thời gian tới, Ban thường vụ Tỉnh đoàn sẽ có hướng phối hợp cùng cơ quan công an để quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhóm hoạt động tốt hơn.

Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng đội Xây dựng phong trào Công an TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay dù biết hoạt động riêng lẻ sẽ không đạt kết quả tốt nhưng có một số hội, nhóm lại muốn tự mình thực hiện, thành lập để “câu like”, “câu view”, thu hút truyền thông... Công an thành phố sẽ tập hợp 4 nhóm “SOS” hiện đang hoạt động tự phát (SOS 102, SOS 104, SOS Biên Hòa, Biệt đội 117) thành một nhóm để định hướng, phối hợp, phân chia địa bàn hoạt động giúp các cá nhân phát huy tốt vai trò xung kích, tình nguyện và lan tỏa rộng những hành động đẹp đến người dân và xã hội.

Hiện nay, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ đang được người dân quan tâm. Tuy nhiên từ các mô hình, tổ chức quần chúng hỗ trợ nhân dân hoạt động tự phát cho thấy còn nhiều bất cập, cần có sự quản lý, hướng dẫn từ lực lượng công an. Bên cạnh đó, những “hiệp sĩ” dù tích cực hoạt động tự nguyện thì cũng cần tập hợp lại, thống nhất thành tổ chức duy nhất để nâng tính chuyên nghiệp và thuận tiện cho chính quyền, công an định hướng hoạt động đúng pháp luật.

Minh Đức

Tin xem nhiều