Hơn 1 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. đáng nói, các cơ sở này đều nằm trong khu dân cư nên nguy cơ cháy lan, cháy lớn cao.
Hơn 1 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. đáng nói, các cơ sở này đều nằm trong khu dân cư nên nguy cơ cháy lan, cháy lớn cao. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các cơ sở, các hộ dân lân cận, Công an tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương gấp rút kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chú ý an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy một cơ sở gỗ tại KP.9, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) ngày 16-1. Ảnh: CTV |
* Liên tục cháy cơ sở gỗ
Tính từ giữa tháng 12-2020 đến nay, toàn tỉnh có ít nhất 6 vụ cháy cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong khu dân cư được Công an tỉnh ghi nhận. Các cơ sở xảy ra cháy chủ yếu tại TP.Biên Hòa (4 cơ sở), H.Trảng Bom (1 cơ sở) và H.Vĩnh Cửu (1 cơ sở) và đều nằm trong các làng nghề gỗ truyền thống hoặc gần các khu dân cư.
Điển hình như tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 12-2020 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy cơ sở gỗ của ông Nguyễn Hữu Khương tại KP.Tân Lập (vào ngày 24-12-2020) và Cơ sở Gỗ Nhựt Minh tại KP.Hương Phước (vào ngày 27-12-2020). Hay liên tục trong 2 ngày đầu năm 2021 đã xảy ra cháy ở cơ sở gỗ của bà Trần Lệ Mỹ tại KP.4A, P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) vào ngày 9-1 và Công ty TNHH Phú Đại Phát tại ấp Tân Bình, xã Bình Minh (H.Trảng Bom) vào ngày 10-1.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) nhấn mạnh: “Trong quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thực hiện tốt các giải pháp như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đặc biệt là các quy định về thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Khi cải tạo, mở rộng cơ sở sản xuất phải chấp hành các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về PCCC và phải được sự chấp thuận của cơ quan cảnh sát PCCC”. |
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), do bên trong các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ luôn chứa một lượng lớn chất cháy (sơn, dung môi chuyên ngành gỗ), vật liệu dễ cháy (nguyên liệu, thành phẩm gỗ) nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn. Như vụ cháy tại hộ kinh doanh Triệu Vy tại KP.9, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) vào ngày 16-1 đã lan sang 1 garage ô tô và 1 cơ sở gỗ ở kế bên.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) chỉ rõ: “Đặc điểm của các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ nói chung là thường thải ra nhiều dăm bào, gỗ dư thừa; đặc biệt mùn cưa bám nhiều trong xưởng sản xuất. Nhiều cơ sở chế biến gỗ đều có dây chuyền sản xuất lạc hậu, thiết bị thường xuyên bị trục trặc; hệ thống dây điện bị lão hóa nhưng không được thay thế, bảo dưỡng, thậm chí còn câu mắc điện chằng chéo hết sức nguy hiểm... Trong đó, đáng chú ý là khu vực phun sơn thường không đảm bảo an toàn PCCC; việc sắp xếp hàng hóa không khoa học, khi có sự cố cháy thường khó xử lý kịp thời”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) nhận định vẫn còn một bộ phận người dân, người đứng đầu cơ sở còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Nhiều cơ sở mang tính chất gia đình nên thường xuyên cơi nới, sửa chữa cơ sở sản xuất tùy theo quy mô, kinh phí khiến các công trình, đường điện dễ chồng lên nhau. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy và khi chậm phát hiện sự cố cháy ban đầu sẽ thành các vụ cháy lớn.
* Kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy gây ra tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong mùa hanh khô, dịp Tết Nguyên đán, vừa qua, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ và công an các địa phương lưu tâm vấn đề này. Trong đó, tập trung vào việc nắm chắc địa bàn, cơ sở, từ đó kịp thời phát hiện, yêu cầu cơ sở chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót liên quan đến các quy định về PCCC. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC.
Ban giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình có xưởng sản xuất, chế biến gỗ thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn PCCC. Hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Lực lượng chức năng cũng cần chủ động phối hợp với cơ sở tổ chức huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng chữa cháy của lực lượng PCCC tại chỗ, xử lý kịp thời các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Hiện nay, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh và các địa phương đang tiến hành đợt kiểm tra, đôn đốc các cơ sở đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn phụ trách. Qua đó, các đoàn kiểm tra cũng yêu cầu cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong khu dân cư cần duy trì nghiêm túc lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở củng cố phương tiện chữa cháy tại chỗ, xây dựng cơ chế báo tin, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.Biên Hòa) cũng khuyến cáo các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ cần đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện. Đặc biệt, dù bận rộn với hoạt động sản xuất cuối năm nhưng cũng không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, đảm bảo các điều kiện thoát nạn theo quy định. Thực hiện tốt các công tác vệ sinh công nghiệp, các loại phế liệu phải được dọn dẹp thường xuyên và phải đưa ra nơi an toàn, cách xa khu vực sản xuất.
Đăng Tùng