Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật sư không được làm chứng trong giao dịch đất đai

09:01, 26/01/2021

Theo Sở Tư pháp, vẫn còn một số luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ làm chứng thỏa thuận mua bán đất đai. Công việc này không phù hợp với phạm vi hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư, có dấu hiệu không tuân thủ pháp luật về công chứng, chứng thực, thừa phát lại.

Theo Sở Tư pháp, vẫn còn một số luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ làm chứng thỏa thuận mua bán đất đai. Công việc này không phù hợp với phạm vi hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư, có dấu hiệu không tuân thủ pháp luật về công chứng, chứng thực, thừa phát lại.

Thẩm quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch đất đai thuộc các tổ chức hành nghề công chứng và UBND cấp xã. Trong ảnh:  Công chứng viên Phòng Công chứng số 4 (phải) hướng dẫn người dân làm các thủ tục công chứng hợp đồng giao dịch liên quan tới đất đai. Ảnh: Đoàn Phú
Thẩm quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch đất đai thuộc các tổ chức hành nghề công chứng và UBND cấp xã. Trong ảnh: Công chứng viên Phòng Công chứng số 4 (phải) hướng dẫn người dân làm các thủ tục công chứng hợp đồng giao dịch liên quan tới đất đai. Ảnh: Đoàn Phú

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tiến hành thanh, kiểm tra khi phát hiện hoặc được người dân phản ảnh về tình trạng nói trên và xử lý theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX.

* Làm chứng cho giao dịch đất đai

Bà N.T.A. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chuyển nhượng cho bà L.T.T. (cùng địa phương) 150m2 đất nông nghiệp. Hai bên làm hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản và đem ra một văn phòng công chứng để công chứng nhưng bị từ chối với lý do diện tích đất tối thiểu không đủ điều kiện giao dịch (phải từ 500m2 trở lên đối với đất nông nghiệp sau khi tách thửa). Do đó, 2 bà nhờ Văn phòng Luật sư X. (TP.Biên Hòa) ký xác nhận với tư cách người làm chứng cho giao dịch trên để sau này có cơ sở chứng cứ khi xảy ra tranh chấp. Đồng thời, cả 2 tin rằng, việc luật sư ký xác nhận làm chứng và đóng dấu  “đỏ” vào hợp đồng giao dịch như vậy sẽ có tính pháp lý như công chứng, chứng thực.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Khoản 1, Điều 30, Luật Luật sư năm 2015 quy định, dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm: giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Do đó, việc luật sư ký xác nhận với tư cách người làm chứng cho giao dịch trên là trái pháp luật, hiểu không đúng quy định nói trên. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 459 (Bộ luật Dân sự năm 2015) và Điểm a, Khoản 3, Điều 167 (Luật Đất đai năm 2013) quy định, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký tại cơ quan đăng ký theo quy định.

“Nghĩa là luật cho phép luật sư thực hiện các giao dịch theo quy định pháp luật, còn giao dịch trái pháp luật thì hiển nhiên không được làm, nhất là những lĩnh vực công chứng, chứng thực thì luật sư càng không được làm” - luật sư Đức nói.

* Có phải luật không theo kịp thì cấm?

Pháp luật về dân sự không nghiêm cấm việc cá nhân làm chứng cho các sự kiện pháp lý, giao dịch dân sự như: di chúc miệng, nhân chứng trong các vụ án, vụ việc… Điều 77, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng, vấn đề trên là do luật không theo kịp với sự phát triển quan hệ xã hội để điều chỉnh những giao dịch mới phát sinh trong thực tế nên cấm đoán. Như vậy, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào giải thích, quan điểm như vậy chưa đúng. Hiện pháp luật về dân sự, đất đai, công chứng, chứng thực, thừa phát lại và văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp đã quy định khá rõ vấn đề này. Do đó, các tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực, thừa phát lại và luật sư trên địa bàn tỉnh không được thực hiện công chứng, chứng thực, xác nhận hợp đồng, giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, tặng cho, ủy quyền… đối với đất đai không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật công chứng, đất đai, xây dựng. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải thực hiện nghiêm vấn đề này nhằm mục đích không để các đối tượng lợi dụng, tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, “phân lô bán nền” đất đai trái phép làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng, giao dịch và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.

Trong năm 2020, qua kiểm tra 7 tổ chức hành nghề luật sư, Thanh tra Sở Tư pháp đã phát hiện 2 đơn vị để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ làm chứng trong các hợp đồng thỏa thuận mua bán đất đai và một số giao dịch dân sự khác có thu tiền thù lao hoặc dịch vụ trái quy định pháp luật. Kết quả, Chánh thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị này số tiền 17 triệu đồng.

Ông Trần Trung Nhân, Trưởng phòng Hành chính và bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) khuyến cáo, khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch liên quan tới đất đai, người dân, tổ chức nên chọn các tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất giao dịch để thực hiện. Có như vậy, vấn đề giao dịch đất đai mới đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thời được các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền kịp thời cảnh báo hoặc tư vấn cho người dân dừng giao dịch khi phát hiện đất đai nơi đó không đủ điều kiện giao dịch, đang xảy ra tranh chấp, không cho phép chuyển nhượng.

Điểm d, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, hành nghề luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định bị phạt tiền từ 7-10 triệu đồng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều