Phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Ban Dân tộc tỉnh và các ngành, đơn vị, địa phương.
Phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Ban Dân tộc tỉnh và các ngành, đơn vị, địa phương.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Cao (H.Xuân Lộc) tham gia tập huấn pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú |
“Khi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nâng cao thì đồng bào sẽ hiểu, nắm bắt và thực thi đúng chính sách đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế; tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; loại bỏ các hủ tục lạc hậu” - Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út bày tỏ.
* Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Ông K’Lâm (ngụ xã Tà Lài, H.Tân Phú) cho biết, nhờ thường xuyên tiếp cận các lớp phổ biến, tuyên truyền pháp luật do xã, huyện, tỉnh tổ chức, ông rút ra được nhiều điều hay, bổ ích. Chẳng hạn, dù sinh sống ở ven rừng, khu định canh - định cư xa trung tâm thị trấn nhưng người dân ra đường vẫn phải chấp hành các quy định pháp luật về giao thông; không chặt phá, bắt, bẫy thú rừng...
Ngoài ra, theo ông K’Lâm, nhờ hiểu biết pháp luật, bà con trong khu định canh - định cư đã bỏ nhiều hủ tục lạc hậu như: không tảo hôn, không mê tín dị đoan; thực hiện các nghi lễ cưới xin, ma chay phải tuân thủ đời sống mới; không nghe, tin và làm theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tự do tôn giáo.
Không chỉ ông K’Lâm mà nhiều đồng bào DTTS trên bàn tỉnh cũng học hỏi nhiều tư tưởng tiến bộ, tự loại bỏ nhiều tư tưởng, hủ tục, tập tục lạc hậu. Ông Sẳn Dắt Phắn, người có uy tín ở xã Phú Vinh (H.Định Quán) bộc bạch, ý thức pháp luật của ông và nhiều đồng bào DTTS ngày càng nâng cao là nhờ chịu khó tham dự các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật do xã, huyện, tỉnh tổ chức; mạnh dạn trao đổi với người hiểu biết, cán bộ ấp, xã về những vấn đề còn thắc mắc về pháp luật, để có cách ứng xử hợp tình, hợp lý.
Theo ông Thổ Út, Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 190 ngàn đồng bào DTTS (chiếm 6,1% dân số của tỉnh) đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của đại đa số đồng bào các DTTS các nơi trên địa bàn tỉnh bắt nhịp với đời sống mới. Các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống phát triển tương đối đồng đều nhờ hiệu quả từ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ đồng bào DTTS chậm thay đổi, còn hành xử, ứng xử theo phong tục lạc hậu, tập quán xưa. Chính vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh luôn xem trọng công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhóm người này để người dân loại bỏ dần những hủ tục, phong tục lạc hậu, lỗi thời để sống và làm việc theo pháp luật.
* Triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền pháp luật
Trong thời gian qua, thực hiện Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021, Ban Dân tộc tỉnh cùng với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Luật gia, UBND cấp huyện phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại 58 điểm với hơn 7 ngàn đồng bào DTTS dự.
Tại các điểm tuyên truyền, các báo cáo viên đã phổ biến, tuyên truyền cho đồng bào DTTS các chuyên đề: Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Biên giới quốc gia năm 2003... và tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy; công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lang Minh (H.Xuân Lộc) xem tài liệu tuyên truyền pháp luật tại buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức |
Hiện Ban dân tộc tỉnh đang thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 và Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 18-1 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 -2025. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với 9 huyện và TP.Long Khánh tổ chức 41 điểm tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới năm 2006 cho hơn 3,9 ngàn lượt người tham dự. Đối tượng được tuyên truyền là những người làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, trưởng ấp (khu phố), người có uy tín và người dân là đồng bào DTTS. Thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở.
Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng được tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Khi nhận thức trong đồng bào DTTS được nâng lên trên tất cả các lĩnh vực, phụ nữ dần dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống xã hội, tham gia nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh còn chủ động triển khai nhiều buổi phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Theo ông Thổ Út nhận định: “Nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng tương đối đầy đủ, sâu rộng. Đó là ưu điểm cần tiếp tục phát huy và duy trì”.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền cơ sở, hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động hoặc phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiến bộ của các DTTS, nhất là việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, các phong tục, tập quán, lễ hội tiến bộ... Đồng thời, chú trọng vận động đồng bào DTTS thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn Phú