Hiện nay, tại các khu dân cư trong toàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều kho, xưởng có diện tích hàng trăm đến hàng ngàn mét vuông, chứa nhiều loại thành phẩm, phế phẩm hoặc là nơi gia công hàng hóa.
Hiện nay, tại các khu dân cư trong toàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều kho, xưởng có diện tích hàng trăm đến hàng ngàn mét vuông, chứa nhiều loại thành phẩm, phế phẩm hoặc là nơi gia công hàng hóa. Tuy nhiên, đây chính là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và sẽ gây nguy hiểm đến khu dân cư xung quanh, nếu đám cháy không được xử lý kịp thời, đúng phương pháp.
Vụ cháy kho phế liệu ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) gây uy hiếp các nhà dân, công trình kế bên. Ảnh: C.T.V |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy các kho, xưởng trong khu dân cư, chủ yếu tập trung tại vùng ven các đô thị, gần các khu công nghiệp.
* Nguy cơ cháy, nổ còn cao
Gần nhất là vụ cháy kho phế liệu của ông P.T.H. vào khuya 10-5 tại KP.Tân Cang, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) với diện tích cháy 900m2. Vụ cháy không thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi gần như hoàn toàn căn nhà ông H. và ảnh hưởng đến 5 hộ dân lân cận.
Trước đó, chiều 12-3, kho phế liệu của ông L.Đ.K. tại KP.5, P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) cũng bốc cháy dữ dội. Hậu quả đã thiêu rụi nhà kho rộng 800m2 (chủ yếu đựng mút xốp), gây hư hỏng tài sản của 8 hộ dân và Trường mầm non Đức Thanh kế bên.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nguy cơ cháy, nổ từ các kho, xưởng trong khu dân cư còn cao. Phần lớn các kho, xưởng trong khu dân cư đều có kết cấu bằng thép, tôn với giới hạn chịu lửa thấp. Khi xảy ra cháy, các công trình này dễ bị sập đổ. Bên cạnh đó, với diện tích lớn, trong nhà kho, xưởng thường bố trí nhiều khu vực với công năng khác nhau nhưng giữa các bộ phận này không có tường ngăn cháy. Đặc biệt, nhiều kho, xưởng được xây sẵn để cho thuê nhưng đơn vị thuê thường không cải tạo lại nên trong quá trình sử dụng, hệ thống PCCC không phù hợp (do thiết kế từ đầu không xác định được mục đích sử dụng cụ thể).
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây cháy các kho, xưởng là sự cố điện, dẫn đến lửa bén vào các thành phẩm, phế phẩm bên trong. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác đến từ bên ngoài như: người dân xung quanh đốt cỏ, rác, gió thổi bén vào các kho, xưởng.
“Việc chữa cháy ở các kho, xưởng trong khu dân cư rất khó khăn do các cơ sở này có diện tích lớn, lại giáp tường các nhà dân, công trình khác. Đường đi vào các kho, xưởng trong khu dân cư lại nhỏ, quanh co; nguồn cấp nước chữa cháy cũng hạn chế nên lực lượng chữa cháy đôi khi phải đục tường, tiếp cận từ các mái nhà kế bên... nên việc chữa cháy mất nhiều thời gian hơn, trong thời gian đó đám cháy lại bùng phát lớn, cháy lan sang các hộ dân xung quanh” - thượng tá Nguyễn Văn Hải nói.
* Cần kiểm soát các nguồn dễ cháy
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thực tế hiện nay, các kho, xưởng thường được xây dựng thành một khối khép kín, thậm chí không có cửa sổ mà chỉ có các cửa lớn để xuất, nhập hàng. Tuy nhiên, kiến trúc này đã khiến các đám cháy khó bị người bên ngoài phát hiện do khói, lửa đều bị giữ kín trong kho, đến khi phát hiện ra thì ngọn lửa đã vượt quá tầm xử lý ban đầu. Thậm chí nhanh chóng trở thành đám cháy lớn vì thành phẩm, phế phẩm, các loại hóa chất bên trong liên tục bị thiêu rụi, tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an TP.Biên Hòa tiếp cận vụ cháy kho phế liệu tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) từ trên mái tôn các hộ dân lân cận. Ảnh: Minh Thành |
Do đó, để đảm bảo an toàn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng công an các địa phương luôn khuyến cáo người đứng đầu cơ sở phải tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC, đồng thời, kiểm soát tốt nguồn nhiệt, nguồn điện trong và ngay bên ngoài cơ sở.
Theo đó, hệ thống điện cần được thường xuyên kiểm tra, thay thế khi phát hiện hư hỏng, hạn chế dùng lại các đồ điện đã sửa chữa nhiều lần. Đồng thời người dân, DN cần sắp xếp hàng hóa đảm bảo khoảng cách an toàn theo hướng dẫn của cán bộ PCCC; không chồng hàng hóa tại các vị trí ổ điện, đè lên dây điện, chắn lối thoát hiểm. Tại các kho, xưởng cần xây dựng quy tắc xử lý các đám cháy ban đầu phù hợp với điều kiện tại chỗ.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo một số UBND phường ở TP.Biên Hòa, bên cạnh việc các chủ cơ sở phải chủ động đảm bảo an toàn phòng cháy thì các cơ quan chức năng nên quy định rõ về việc bắt buộc các kho, xưởng cần phải chừa một phần diện tích để làm tường rào, tạo khoảng cách an toàn với các hộ dân xung quanh. Việc này nhằm hạn chế tình trạng cháy lan vào khu dân cư và ngăn ngọn lửa từ bên ngoài lan vào xưởng. Đáng chú ý, căn cơ nhất vẫn là phải có quy hoạch, lộ trình tách rời việc sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu dân cư để đảm bảo an toàn trên nhiều mặt (giao thông, cháy nổ...).
Minh Thành