Để thu hút nguồn lực xã hội vào hoạt động bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý...), UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Để thu hút nguồn lực xã hội vào hoạt động bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý...), UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Việc phát triển các văn phòng công chứng giúp người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch công chứng, chứng thực giấy tờ. Trong ảnh: Văn phòng công chứng Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) tiếp nhận hồ sơ công chứng của người dân. Ảnh: Đ.Phú |
Trong 5 năm qua, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp phát triển mạnh mẽ, nổi bật nhất là hoạt động luật sư và công chứng. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp rất dễ tìm tổ chức uy tín để giao dịch và được hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý.
* Số lượng luật sư đứng thứ 3 toàn quốc
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 113 tổ chức hành nghề luật sư (83 văn phòng, 30 công ty), 341 luật sư, 189 người tập sự hành nghề luật sư. Đoàn Luật sư tỉnh hiện đứng vị trí thứ 3 toàn quốc về mặt số lượng (chỉ sau 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội).
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào đánh giá, trong những năm qua, các tổ chức hành nghề luật sư đã từng bước khẳng định năng lực hoạt động hành nghề luật sư ở các lĩnh vực dịch vụ pháp lý mới như: thương mại, đầu tư, tài chính, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ... Một số tổ chức hành nghề luật sư đã có sự đầu tư nghiêm túc trong hoạt động hành nghề, từng bước tạo thương hiệu cho tổ chức mình, không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Từ đó, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ cải cách tư pháp, khẳng định được vị trí, vai trò của luật sư trong việc bảo vệ công lý, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Theo UBND tỉnh, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp. Theo đó, tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn vững vàng; có chính sách thu hút các nguồn lực, khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào hoạt động giám định tư pháp; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thừa phát lại. Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp. |
Từ năm 2015-2020, Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia bảo vệ miễn phí cho trên 880 bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự; trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 6,5 ngàn trường hợp; phối hợp với chính quyền địa phương, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật được 50 cuộc/70 ngàn lượt người dân, công nhân tham dự...
Luật sư Phan Thiên Vượng, Phó chủ nhiệm, Phụ trách Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp phối hợp rất tốt trong công tác quản lý luật sư và nghề luật sư theo quy định Luật Luật sư năm 2015, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp tỉnh được đảm bảo trên nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng dịch vụ pháp lý, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.
Để đạt con số 500 luật sư vào năm 2024 và 20 luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, theo luật sư Phan Thiên Vượng, ngoài việc đẩy mạnh công tác đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo, các luật sư cần phải phát huy tối đa vai trò tự học, tự bồi dưỡng, du học. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tranh chấp thương mại trong kinh doanh, hợp tác, đầu tư có yếu tố nước ngoài rất lớn nhưng đội ngũ luật sư đông mà không tiếp cận được là một điều đáng tiếc. Chính vì vậy, muốn tồn tại và hội nhập thành công, buộc đội ngũ luật sư phải tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán thương mại, thông thạo tư pháp và pháp luật quốc tế...
* Tổ chức công chứng phát triển
Theo Sở Tư pháp, ngay sau khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề công chứng với 50 công chứng viên. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 28 tổ chức hành nghề công chứng với 61 công chứng viên. Sau khi bỏ quy hoạch về phát triển công chứng thì số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng tăng mạnh, đến nay có 52 tổ chức hành nghề công chứng (3 phòng công chứng và 49 văn phòng công chứng) với 107 công chứng viên.
Đồng Nai là tỉnh có số lượng luật sư nhiều thứ 3 toàn quốc. Trong ảnh: Luật sư Nguyễn Khánh Thanh Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh, tư vấn pháp luật cho người dân |
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào đánh giá, nhìn chung, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Các văn phòng công chứng tư nhân từng bước được kiện toàn về tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đảm bảo hoạt động; công tác quản lý, điều hành tổ chức, hoạt động được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp, giúp cho hoạt động của văn phòng công chứng ngày càng đạt hiệu quả. Sự ra đời của các văn phòng công chứng đã làm giảm đi sự quá tải của các phòng công chứng nhà nước trước đây.
“Với sự xuất hiện thêm nhiều tổ chức hành nghề công chứng ở nông thôn, thành thị tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp lựa chọn nơi uy tín, chất lượng giao dịch. Tuy vậy, nếu công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này không xứng tầm, thường xuyên, liên tục thì rất dễ dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định về công chứng, chứng thực” - ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Văn phòng công chứng Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) bày tỏ.
Để hoạt động công chứng đi vào nền nếp, hiệu quả, chất lượng, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 và các quy định pháp luật có liên quan để khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với hoạt động công chứng. Đồng thời, xây dựng chính sách phát triển nghề công chứng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng để áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.
Đoàn Phú