Trong những ngày miền Trung liên tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của bão, lũ, bên cạnh các cơ quan, tổ chức của Nhà nước còn có rất nhiều cá nhân tự đứng ra kêu gọi và nhận tiền, hiện vật rồi trực tiếp đi cứu trợ tại vùng bị thiên tai.
Trong những ngày miền Trung liên tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của bão, lũ, bên cạnh các cơ quan, tổ chức của Nhà nước còn có rất nhiều cá nhân tự đứng ra kêu gọi và nhận tiền, hiện vật rồi trực tiếp đi cứu trợ tại vùng bị thiên tai. Việc này rất có ý nghĩa khi lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chung tay giúp đỡ người dân ở các địa phương đang gặp khó khăn, cần sự cứu trợ cấp thiết.
Việc cá nhân đứng ra vận động từ thiện là phù hợp với pháp luật dân sự. Trong ảnh: Một nhóm thiện nguyện ở TP.Biên Hòa vận chuyển hàng lên xe đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Ảnh do nhóm thiện nguyện cung cấp. Ảnh do nhóm thiện nguyện cung cấp |
Tuy vậy, hiện nay có một số ý kiến băn khoăn không biết cá nhân có được đứng ra kêu gọi, vận động từ thiện như vậy hay không? Có ý kiến còn cho rằng, hoạt động quyên góp đã vi phạm quy định của pháp luật về tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
* Chưa thống nhất trong các quy định pháp luật
Tại Điều 2 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (gọi tắt là Nghị định 64) nêu rõ, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, tại Điều 3, Nghị định 64 cũng quy định các hành vi bị cấm là: cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Ngày 21-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Thủ tướng đã yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm đúng quy định tại Nghị định 64. Tại văn bản nêu trên, Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ. |
Tại Điều 5, Nghị định 64 nêu rõ, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Tuy nhiên, tại Điều 5, Nghị định 64 cũng nhấn mạnh: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.
Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Do đó, theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): “Việc cá nhân đứng ra đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai là việc làm không bị cấm. Việc này được xem là thực hiện sự ủy quyền của người đóng góp”.
* Cần điều chỉnh quy định cho phù hợp
Một số luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, việc các cá nhân, tổ chức tự nguyện quyên góp, ủng hộ tiền, hiện vật cho đồng bào miền Trung khi họ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, hiện nay rõ ràng có sự không thống nhất trong các quy định của pháp luật. Nghị định 64 đã được ban hành cách đây 12 năm nên thực hiện theo luật gần nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 là phù hợp. Trong trường hợp cá nhân tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm. Nếu các tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu trục lợi hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua quá trình tổ chức các hoạt động thiện nguyện thì họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Nghị định 64 cũng còn có một số điểm cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, Nghị định 64 cần giải thích rõ hơn, cụ thể các định nghĩa, tránh để nhầm lẫn giữa “tổ chức tiếp nhận” và “tổ chức vận động đóng góp”; cần sớm nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nữa các quy định về việc tổ chức vận động đóng góp, tổ chức tiếp nhận và phân phát hàng cứu trợ tại địa phương xảy ra thiên tai nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân triển khai hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khó khăn.
Ngày 23-10, trao đổi với một số cơ quan báo chí xung quanh việc làm của một số cá nhân trong đợt lũ lụt miền Trung, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, đây là việc làm đáng trân trọng, nên khuyến khích. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân. Nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên là không đúng. Nghị định 64 ban hành đã lâu, đến nay cần sửa đổi một số điều. Đó là nghị định giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, lợi dụng, và đặc biệt vận động, phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả.
Đông Hồ