Mặc dù, trong hoạt động quản lý thị trường hàng hóa, đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và có tới 6 cơ quan chức năng tham gia kiểm soát. Thế nhưng tình trạng gian, hàng giả vẫn lộng hành...
[links()]Mặc dù, trong hoạt động quản lý thị trường hàng hóa, đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và có tới 6 cơ quan chức năng tham gia kiểm soát. Thế nhưng tình trạng gian, hàng giả vẫn lộng hành...
Lực lượng QLTT tỉnh lập biên bản tại một shop thời trang bán hàng nhái thương hiệu nổi tiếng |
Ngay cả Luật Tố tụng Hình sự đã có những tội danh quy định khá rõ về việc xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhưng trên thực tiễn việc xử lý hình sự với tội danh xâm phạm quyền SHTT còn rất khó khăn và xử phạt hành chính cũng còn nhiều bất cập.
* Nhiều rào cản
Theo nhận định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền SHTT ngày một gia tăng. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên có sức hút rất lớn, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa bàn khác nhau. Thêm nữa, tâm lý người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại, nhưng vì không đủ tiền nên vẫn lựa chọn hàng fake - sản phẩm giả nhưng mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp “như thật” mà lại có giá thấp.
Buôn lậu là hành vi phạm tội xảy ra phổ biến hiện nay. Để khống chế tình trạng buôn lậu gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có quy định xử lý hình sự với tội buôn lậu. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1-5 năm. Tịch thu toàn bộ tang vật. |
Lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp thiếu ý thức pháp luật, vì lợi nhuận sẵn sàng làm giả, làm nhái những sản phẩm có uy tín, chất lượng, kiểu dáng đã được bảo hộ để gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền SHTT diễn ra thường xuyên, tinh vi và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, nhiều chủ SHTT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chưa ý thức trong việc phải luôn tìm hiểu thị trường để phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả các sản phẩm của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Có những doanh nghiệp do sợ bị ảnh hưởng đến doanh số và mức tiêu thụ sản phẩm, không dám công khai về sản phẩm bị làm giả... dẫn đến hàng giả vẫn còn đất sống.
Cũng theo Cục SHTT, một rào cản khác nữa khiến cho công tác quản lý và xử lý tội phạm xâm phạm quyền SHTT gặp nhiều khó khăn và bất cập. Đó là các vi phạm quyền SHTT đang gia tăng nhưng khi bị phát hiện thì thường chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính. Điều này cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tội xâm phạm SHTT còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu một cách hiệu quả trước các hành vi đánh cắp bản quyền, SHTT đang ngày một gia tăng và phức tạp.
Nước hoa giả được bày bán tràn lan ở vỉa hè |
Hiện các hoạt động chống các hành vi vi phạm quyền SHTT hiện nay đang rất chồng chéo. Theo LS. Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia Đồng Nai), hiện có tới 6 cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm quyền SHTT là: UBND các cấp, thanh tra ngành KH-CN, thanh tra ngành VH-TT và DL, Cảnh sát kinh tế, QLTT và Hải quan... dẫn đến tình trạng khó phối hợp, dễ chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong trách nhiệm đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Thêm vào đó, các quy định về SHTT và hành vi xâm phạm SHTT nằm rải rác trong quá nhiều văn bản, đặc biệt là những quy định về các biện pháp và chế tài xử lý chủ yếu dừng ở các hình thức xử lý hành chính, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Chế tài về hình sự dù đã có, nhưng chỉ được áp dụng với cá nhân, trong khi nhóm tội về xâm phạm quyền SHTT chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Vì vậy, khó để truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân được. Chưa kể, để xử lý xâm phạm quyền SHTT phải qua nhiều thủ tục, qua nhiều cơ quan chức năng liên quan, đòi hỏi phải có thời gian… cũng khiến cho doanh nghiệp nản lòng mỗi khi muốn kiện cá nhân, tổ chức xâm phạm SHTT sản phẩm độc quyền của mình.
* Tăng mức chế tài, nhưng đã đủ răn đe?
Trước tình hình “nóng lên” bởi những hoạt động vi phạm quyền SHTT đang tràn lan, cũng như tác động của hàng gian, hàng giả đến nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội và đặc biệt là đến sức khỏe người dân, Chính phủ vừa ban hàng Nghị định 98/2020/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 98) có hiệu lực từ ngày 15-10-2020, quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xách tay và bảo vệ người tiêu dùng... NĐ 98 đã tăng chế tài xử phạt lên gấp 5 lần so với trước, đặc biệt mức xử phạt này được áp dụng trên giá trị thực của hàng lậu, nghĩa là càng buôn lớn, càng bị xử phạt nhiều.
Ngành chức năng phải thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hàng gian, hàng giả trên thị trường |
Ông Võ Văn Tỉnh, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, NĐ 98 có rất nhiều điểm mới thay thế cho NĐ 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt độngt hương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và NĐ141/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những điểm mới của NĐ 98 đã quy định tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Cụ thể, đối với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1-70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Riêng đối với hành vi cá nhân sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mức phạt tăng gấp đôi, cụ thể là 200 triệu đồng. Như vậy, so với trước đây, NĐ 98 quy định mức xử phạt tăng lên khá cao cũng như tích hợp đầy đủ các hành vi vi phạm hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.
Việc đưa NĐ 98 vào thực tế với mức xử phạt cao hơn, sẽ tạo tính năng chế tài mạnh hơn, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, với NĐ 98 hành vi kinh doanh hàng nhập lậu không chỉ bị xử lý với mức phạt tiền cao mà còn phạt dựa trên giá trị thực của hàng hóa nhập lậu. Việc tăng mức xử phạt NĐ 98 sẽ tăng tính giáo dục, răn đe mạnh hơn, khiến các cá nhân, tổ chức buôn bán hàng lậu, hàng giả phải tính toán, cân nhắc.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc tăng mức phạt đối với hàng gian, hàng giả với mức cao nhất đối với cá nhân là 200 triệu và với tổ chức là 400 triệu đồng mới chỉ là cần nhưng chưa đủ. Bởi với những tổ chức chuyên sản xuất, kinh doanh hàng giả quy mô lớn, số lượng nhiều, hàng giả các thương hiệu lớn bán với giá như hàng thật thu về lợi nhuận cao hàng tỷ đồng, thì mức phạt này chỉ như ... muối bỏ biển.
Phương Liễu
Bài 4: Để “cuộc chiến” chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả