Do lợi nhuận cao, nên hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Sự vi phạm này đang diễn ra công khai và tràn lan...
[links()]Do lợi nhuận cao, nên hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Sự vi phạm này đang diễn ra công khai và tràn lan...
Sản phẩm collagen làm trắng da được phân phối độc quyền tại Việt Nam bị làm giả nhanh chóng, khiến doanh nghiệp thiệt hại |
Đây không chỉ là thách thức đối với cơ quan quản lý mà còn gây thiệt hại kinh tế cho đất nước, sụt giảm uy tín của những nhà sản xuất chân chính và ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
* Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (sản xuất hoặc có chi nhánh tại Đồng Nai) đã phải kêu trời khi tại nhiều thị trường trong nước bán hàng giả đối với sản phẩm đã được đăng ký bản quyền SHTT, công bố độc quyền về kiểu dáng, mẫu mã. Chẳng hạn như Công ty TNHH Duy Lợi cho biết, có đến 16 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất võng xếp bị xâm phạm kiểu dáng độc quyền sản phẩm võng xếp của mình. Hay thời gian gần đây, nhiều khách hàng bất ngờ khi trên một số website xuất hiện địa chỉ rao bán các dòng xe Honda, Airblades, SCR chỉ với giá dưới 20 tr, trong khi những loại xe này chính hãng giá thực phải gấp đối, gấp 3 lần. Qua điều tra làm rõ của cơ quan chức năng, đây là hàng gia công, lắp ráp không rõ xuất xứ với nhiều bộ phận, chi tiết có nguồn gốc ... made in China.
Thông tin từ Sở KH-CN, chỉ tính riêng trong năm 2019, đơn vị đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục nộp đơn bảo hộ tài sản trí tuệ, cung cấp thông tin về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và thông tin về sáng chế cho khoảng 500 đơn vị. Hơn 2/3 trong số các đơn vị được tư vấn chủ yếu là về lĩnh vực nhãn hiệu hàng hóa. Trong năm, số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục SHTT là 456 và đang xem xét cấp giấy chứng nhận cho 2 sáng chế/GPHI, 13 kiểu dáng công nghiệp; 441 nhãn hiệu sản phẩm. |
Bà Hoàng Ngọc Diệp (P. Tân Phong), phụ trách một chi nhánh của dòng mỹ phẩm Collagen làm trắng da liên doanh với một hãng mỹ phẩm của Hàn Quốc. Sản phẩm của bà Diệp đã được đăng ký là hàng phân phối độc quyền tại Việt Nam. Nhưng năm ngoái, khi sản phẩm này về đến Việt Nam, bán ra mắt thì chỉ trong 3 tháng sau đã xuất hiện hàng giả. Trong khi hàng chính gốc giá 900 ngàn đồng/hộp 60 viên thì trên mạng rao bán sản phẩm với vẻ ngoài y chang nhưng chỉ với giá 300 ngàn đồng/hộp, khiến cho sản phẩm chính hàng của bà bị chựng lại, không bán được vì bị so bì giá cả. Chưa kể không ít người dùng hàng giả, thấy chất lượng kém thì lên website giới thiệu sản phẩm của bà ... mắng vốn.
Bà Diệp cho hay: “Qua tìm hiểu cho thấy, sản phẩm viên uống trắng da collagen làm giả tinh vi đến mức chính tôi cũng không phát hiện được. Chỉ đến khi đưa một hộp hàng giả về công ty mẹ ở Hàn Quốc phân tích thành phần mới biết nó khác. Nhưng rất khó có thể truy vấn được khi trang mạng này bị đóng thì trang khác lại được mở ra ngay, coi như chấp nhận “sống chung” với hàng giả”. Hiện nay chi nhánh của bà Diệp đang phải “ôm” lượng hàng tồn rất lớn với tổng giá trị đến gần 2 tỷ đồng.
Tác hại của hàng giả gây thiệt hại trực tiếp đến người tiêu dùngm trước là thiệt hại về kinh tế, sau nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đối mặt với thiệt hại về tài chính, sự sụt giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Quyền SHTT ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Bảo vệ quyền SHTT chính là bảo vệ các thành quả mà doanh nghiệp đang có, chống lại hành vi lợi dụng và hoạt động cạnh tranh không lành mạnh cũng như giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả ra khỏi thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Thế nhưng, theo Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, phần lớn các chủ SHTT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền SHTT của mình, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chưa coi vấn đề SHTT là tài sản cũng cần được bảo vệ như tài sản vật chất. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa nhưng lại quên mất khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình ở những khu vực thị trường đã và sẽ phát triển, chưa có ý thức trong việc tìm hiểu, phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả các sản phẩm của mình. Thậm chí từ chối hợp tác với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, cũng như không dám công khai về sản phẩm bị làm giả vì sợ bị ảnh hưởng đến doanh thu.
Cũng theo ông Hậu, cũng còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng tìm hiểu rõ về Luật SHTT, dẫn tới việc vô tình xâm phạm quyền SHTT của người khác, hoặc tự mình xóa bỏ tài sản SHTT đã dày công gây dựng trong nhiều năm do không tiến hành đăng ký, đến khi đăng ký thì đã có đơn vị khác đăng ký mất. Một số ít doanh nghiệp do không tìm hiểu kỹ quy định nên bị các cơ quan chức năng từ chối bảo hộ - vì không đúng Luật SHTT”.
* Người dùng lãnh đủ...
Thực trạng vi phạm quyền SHTT bằng việc trạng lập lờ nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng… khiến người tiêu dùng không khỏi bất an khi mua hàng.
Không khó có thể bắt gặp những sạp, những bạt tại các chợ bày bán mỹ giả phẩm hàng hiệu sang chảnh như: Dior, Shiseido, Lancome, Mabelline... với giá rẻ bèo. Chỉ với vài chục nghìn đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu những thỏi son, hộp phấn, kem nền của các thương hiệu nổi tiếng này trong khi giá chính hãng hàng thật phải cao gấp cả chục lần. Đặc biệt một số loại kem làm trắng da của những thương hiệu nổi tiếng nhưng lại được mua bán bằng từng bịch 1 kg, 5-10 kg, bằng chai 1 lít hay can 5 lít... khiến không ít người phải trả giá vì ham rẻ.
Mua và dùng kem trộn giả bán tràn lan trên mạng. Cái kết thương đau cho một bệnh nhân vì muốn có làn da đẹp không tì vết |
Đến nay chị Nguyễn Trần Uyên Ph., sinh viên một trường đại học ở Biên Hòa vẫn đang phải trả giá cho việc muốn có làn da “trắng không tì vết”. Trước tết, hấy trên mạng rao bán kem trộn với quảng cáo làm làn da trắng hồng, không bị tác dụng phụ, giữ được màu vĩnh viễn... Ph. đã mua một hộp 1 kg chỉ với giá 150 ngàn đồng để dùng theo lộ trình 3 tháng. Ph. cho biết, khi mới thoa lên người, toàn thân rần rần như bị kích ứng. Sau một tuần thì toàn bộ bề mặt da đỏ giộp rồi tróc ra như đi biển về.
Gọi điện lại hỏi, người bán cho biết những triệu chứng đó là ... đúng quy trình, phải làm tróc hết lớp da cũ ra mới có được làn da mới trắng đẹp và người này khuyến khích Ph. cứ yên tâm dùng. Nhưng sau 2 tuần liên tục sử dụng loại kem này thì làn da bắt đầu bị ... “cháy” và sạm lại, một số nơi có biểu hiện như bị phỏng. Quá sợ , Ph. phải đến Bệnh viện da liễu tỉnh để điều trị. Hành trình điều trị để trở lại làn da ban đầu của Ph. cũng rất vất vả và tốn kém. Gần 1 năm trôi qua, nhưng nhiều vùng da trên người Ph. vẫn chưa trở lại bình thường như cũ.
Bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều người đến với làn da bị tàn phá bởi sử dụng mỹ phẩm giả, đặc biệt là những loại hóa chất dùng để tắm trắng. Nhẹ thì bị dị ứng hoặc kích ứng, nặng thì bỏng rát, xâm lấn và hư tổn sâu. “Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về da, nặng hơn sẽ suy thận, gây tổn hại sức khỏe. Không ít người phải điều trị khó khăn, lâu dài do hậu quả làm đẹp bất chấp khi sử dụng mỹ phẩm giả, rẻ tiền” – bác sĩ Hà nói.
Nguy hiểm hơn là thực phẩm chức năng giả đang tung hoành trên thị trường. Giá mỗi nơi mỗi khác, thật – giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Mới đây, dư luận hết sức hoang mang khi QLTT TP. Hà Nội đã phát hiện và bóc giỡ kho hàng 10 tấn thực phẩm chức năng ở Bắc Ninh và kho hàng 20 tấn thực phẩm chức năng khác tại Hà Nội. Theo lời khai của 2 chủ kho hàng này, số hàng này là một trong những lô hàng đã và đang được tập kết để vận chuyển vào Nam, phân phối đến nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai. Qua kiểm định, rất nhiều loại thực phẩm chức năng “danh tiếng” được nhiều người ưa huộng như nhau thai cừu, sữa ong chúa, collagen... đóng mác của Mỹ, Nhật, Úc nhưng thực chất là hàng giả với các thành phần khó có thể đoán biết sẽ gây ra những tác hại gì khi dùng.
Hàng giả, hàng nhái không chỉ vi phạm quyền SHTT mà còn ẩn chứa hiểm họa khó lường đối với sức khỏe con người, thậm chí có thể gây chết người. Mặc dù các biện pháp quản lý kiểm soát, kiểm tra của cơ quan chức năng đã được tăng cường nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Và cuối cùng, lãnh đủ vẫn là người tiêu dùng.
Phương Liễu