Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm gỡ khó cho hoạt động tố tụng

10:10, 26/10/2020

Hằng năm, HĐND tỉnh đều có những đợt giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, công an, cơ quan thi hành án) từ cấp tỉnh đến cấp địa phương nhằm kiểm tra, rà soát các hoạt động tiếp nhận tin báo, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Hằng năm, HĐND tỉnh đều có những đợt giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, công an, cơ quan thi hành án) từ cấp tỉnh đến cấp địa phương nhằm kiểm tra, rà soát các hoạt động tiếp nhận tin báo, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra công tác thăm nuôi tại nhà tạm giữ Công an H.Xuân Lộc. Ảnh: T.Danh
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra công tác thăm nuôi tại nhà tạm giữ Công an H.Xuân Lộc. Ảnh: T.Danh

Thông qua hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong hoạt động tố tụng để kiến nghị với cơ quan chức năng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan liên quan trong vấn đề thực thi công vụ.

* Chỉ ra những khó khăn, tồn tại

Theo HĐND tỉnh, nội dung giám sát đối với các cơ quan tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, công an) chủ yếu tập trung vào kiểm tra các hoạt động như: tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan như: công an, viện kiểm sát, tòa án…; công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án (bao gồm cả thi hành án hình sự và thi hành án dân sự).

Bà Lưu Thị Hà, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, mục đích chính của việc giám sát là để xác định các cơ quan tố tụng thực hiện có đúng chức năng, nhiệm vụ hay không. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong hoạt động tố tụng, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tháo gỡ, khắc phục.

Đặc biệt, trong thời gian qua, HĐND tỉnh cũng đã có nhiều cuộc giám sát tại các địa phương về công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa công an, viện kiểm sát và tòa án. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để kết án oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm; khắc phục tình trạng án tồn quá hạn theo luật định.

Theo bà Lưu Thị Hà, qua các đợt giám sát đã xác định một số tồn tại trong hoạt động của các cơ quan tố tụng và đề nghị các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp khắc phục các nội dung như: công tác phối hợp trong giải quyết án có vụ chưa chặt chẽ dẫn đến án phải kéo dài; quá trình điều tra giữa các cơ quan tố tụng vẫn còn những nội dung chưa thống nhất trong điều tra, xử lý; công tác tiếp nhận và xử lý tin báo vẫn còn chậm...

Mới đây, tại buổi giám sát công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp của H.Xuân Lộc, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh xác định một số vấn đề còn vướng mắc tồn tại như: công tác xác minh tin báo trong một số vụ án còn để kéo dài; việc phân định giữa dấu hiệu hình sự và dân sự giữa các cơ quan tố tụng vẫn chưa có sự thống nhất; công tác giám định tư pháp trong các vụ án hình sự, kinh tế còn nhiều bất cập dẫn đến án tồn đọng, kéo dài; chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng trong việc bắt giữ bị can để phục vụ công tác điều tra...

* Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng

Ông Huỳnh Văn Lưu, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết, quá trình thụ lý điều tra các vụ án vẫn còn một số  vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Theo ông Huỳnh Văn Lưu, để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp, người đứng đầu 3 cơ quan tố tụng là công an, viện kiểm sát và tòa án phải trực tiếp đứng ra để tháo gỡ. Trong đó, công tác phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc độc lập trong việc đánh giá chứng cứ, tuy nhiên mục đích cuối cùng vẫn là không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình phối hợp nếu phát hiện có vấn đề gì phát sinh thì phải kiến nghị để giải quyết ngay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, công tác đấu tranh với các loại tội phạm bắt đầu từ công tác tiếp nhận tin báo tố giác. Việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác này. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần phải đặc biệt quan tâm.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, các cơ quan tố tụng cần phải nhìn lại kết quả phối hợp trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; giải quyết các vụ án đúng quy định pháp luật. Để xử lý tốt vấn đề này, cán bộ lãnh đạo phải chỉ đạo sát sao, theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót của cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận tin báo.

Đối với một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thụ lý giải quyết án như: để án tồn đọng kéo dài, án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung…, ông Phạm Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ quan tố tụng cần phải nhìn nhận lại công tác phối hợp giữa các cơ quan đã thực hiện đúng tinh thần như quy chế phối hợp đã ban hành hay chưa. Trong đó, đặc biệt là vai trò của điều tra viên, kiểm sát viên đã thực sự phát huy hết trách nhiệm trong việc nhìn nhận, đánh giá chứng cứ để phục vụ công tác điều tra xác minh, kiểm tra, giám sát các vụ án.

Trên cơ sở những vấn đề phát sinh, ý kiến kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, đoàn giám sát HĐND tỉnh đều tập hợp kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm giúp cho hoạt động của các cơ quan tư pháp luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm và oan sai cho người vô tội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trần Danh

Tin xem nhiều