Trong 9 tháng của năm 2020, số vụ cháy và thiệt hại do cháy trên toàn tỉnh giảm mạnh ở cả 3 mặt (số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại tài sản). Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân cùng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng của năm 2020, số vụ cháy và thiệt hại do cháy trên toàn tỉnh giảm mạnh ở cả 3 mặt (số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại tài sản). Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân cùng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
Diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng tại tòa nhà Sonadezi (thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) ngày 24-9. Ảnh: Minh Thành |
* Hạn chế thiệt hại do cháy
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 9 tháng qua, số vụ cháy và thiệt hại do cháy trên toàn tỉnh giảm mạnh cả 3 mặt so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy (giảm 13 vụ), làm 3 người chết (giảm 5 người chết, 4 người bị thương), thiệt hại khoảng 3,9 tỷ đồng (giảm 8,89 tỷ đồng). Bên cạnh việc chữa cháy, lực lượng chuyên nghiệp còn bảo vệ được hơn 30 ngàn m2 nhà xưởng, ngăn không cho các đám cháy gần đó lan vào.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân chính giúp giảm mạnh thiệt hại do cháy là nhờ hiệu quả của quá trình xây dựng phong trào Toàn dân PCCC suốt những năm qua. Trong đó tăng cường nâng cao cảnh giác cho người dân, tăng tính chủ động xử lý cháy ban đầu tại chỗ và phối hợp với các lực lượng, doanh nghiệp bên ngoài chi viện chữa cháy. Đồng thời, nâng cao chất lượng lực lượng chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng phó sự cố.
Đặc biệt, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ vẫn tổ chức kiểm tra hơn 6,6 ngàn lượt cơ sở. Qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 669 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn PCCC, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt đã có 2 trường hợp để xảy ra cháy, nổ bị xử phạt với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng.
Tuy từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn như năm 2019 nhưng vẫn còn những vụ cháy nguy hiểm, nhất là tại các khu công nghiệp. Cụ thể như vụ cháy lò hơi của Công ty TNHH Kum Young Vina (chuyên ngành dệt, nhuộm) vào tối 6-1 tại Khu công nghiệp Long Thành gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng. Hay vụ cháy kho nguyên vật liệu phế phẩm của Công ty TNHH Dệt Choong Nam Việt Nam vào tối 30-3 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 gây thiệt hại 2 tỷ đồng. Do đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cảnh báo người dân không được lơ là với công tác PCCC ngay cả trong mùa mưa.
* Tăng cường kiểm tra và phát triển lực lượng cơ sở
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an vừa yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ các địa phương tập trung kiện toàn lực lượng theo mô hình tổ chức mới. Chú trọng phân công, phân cấp việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ giữa Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ và công an cấp huyện để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phương châm “huyện toàn diện”.
Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền cho người dân P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa) về nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: Minh Thành |
Tại Đồng Nai, vừa qua khi triển khai công an chính quy về xã, các cán bộ đã được tập huấn về công tác PCCC và dự kiến sẽ trở thành những người chỉ huy chữa cháy tại chỗ (một trong những phương châm 4 tại chỗ trong PCCC). Đồng thời, công an các địa phương sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị UBND các cấp bố trí kinh phí trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12-11-2014 của Bộ Công an về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành) để tăng hiệu quả khi xử lý các đám cháy ban đầu.
Song song với việc xây dựng lực lượng cơ sở mạnh, thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cũng cho biết, thời gian tới, toàn lực lượng cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; tiếp tục công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, lực lượng chức năng phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm. Hướng tới chấm dứt tình trạng đưa cơ sở, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC và xem xét trách nhiệm người đứng đầu có liên quan.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, trong 9 tháng của năm 2020, cả nước xảy ra hơn 2,5 ngàn vụ cháy làm chết 56 người, bị thương 107 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 416 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy giảm 86 vụ, giảm 8 người chết, thiệt hại tài sản ước tính giảm hơn 552 tỷ đồng. Số vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị chiếm 52,29% (hơn 1,3 ngàn vụ); khu vực nông thôn chiếm 47,71% (hơn 1,2 ngàn vụ). |
Minh Thành