Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là Nghị định 112) quy định nhiều điểm mới, cụ thể về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC).
Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là Nghị định 112) quy định nhiều điểm mới, cụ thể về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC).
Quy định mới về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần hạn chế những vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong ảnh: Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP.Biên Hòa tiếp dân (Ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: An An |
Một số điểm đáng chú ý của Nghị định 112 là quy định cụ thể hơn các hình thức xử lý kỷ luật CB-CC-VC nghỉ việc; buộc thôi việc đối với công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiện ma túy (khi có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền)...
* Xử lý kỷ luật CB-CC-VC về hưu
Việc xử lý kỷ luật CB-CC-VC về hưu, nghỉ việc tuy không mới nhưng cũng gặp phải không ít vướng mắc trong thời gian qua. Chính vì vậy, Nghị định 112 đã kịp thời bổ sung hành lang pháp lý trong việc xử lý CB-CC-VC về hưu, nghỉ việc. Đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm và đồng tình.
Theo Nghị định 112, CB-CC-VC có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của CB-CC-VC; những việc CB-CC-VC không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật. |
Cụ thể, Điều 22, Nghị định 112 quy định, trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, Điều 23, Nghị định 112 quy định, căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 22 Nghị định này quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Bên cạnh đó, Nghị định 112 cũng quy định các trường hợp chưa xem xét kỷ luật đối với CB-CC-VC đang trong thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép. CB-CC-VC đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. CB-CC-VC là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc CB-CC-VC là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
* Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần
Theo Nghị định 112, mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu CB-CC-VC có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của CB-CC-VC để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
Trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo nguyên tắc xử lý kỷ luật quy định tại Điều 2, Nghị định 112, trường hợp CB-CC-VC đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau: nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành; nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
“Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự. Trường hợp CB-CC-VC đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng” - luật sư Đức phân tích.
* Cần thông tư hướng dẫn
Điều 6, Nghị định 122 quy định, mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau: vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong CB-CC-VC và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong CB-CC-VC và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong CB-CC-VC và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Nghị định 112 quy định như vậy vẫn chưa định lượng cụ thể mức độ của hành vi vi phạm. Do đó, cần phải có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn nhằm định lượng, định tính các hành vi vi phạm cụ thể, rõ ràng hơn là cần thiết giúp cho công tác xử lý kỷ luật của CB-CC-VC khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đoàn Phú