Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, các cơ quan tố tụng (công an, viện KSND, tòa án) có sự độc lập trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng các điều khoản để xử lý các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng để có sự thống nhất trong xử lý, tránh oan sai, không để lọt tội phạm.
Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, các cơ quan tố tụng (công an, viện KSND, tòa án) có sự độc lập trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng các điều khoản để xử lý các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng để có sự thống nhất trong xử lý, tránh oan sai, không để lọt tội phạm.
Điều tra viên Công an tỉnh phối hợp với kiểm sát viên Viện KSND tỉnh khám nghiệm hiện trường vụ xả thải tại H.Trảng Bom. Ảnh: Trần Danh |
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng hai cấp của tỉnh được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong việc tiếp nhận tin báo, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án. Qua đó đã góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
* Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết, thực hiện quy chế phối hợp liên ngành Công an, Viện KSND, Tòa án, thời gian qua, công tác phối hợp trong tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố điều tra giữa các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Các cơ quan tố tụng thường xuyên duy trì các cuộc họp để giải quyết một số vụ việc, vụ án phức tạp, khó khăn trong công tác đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó các cơ quan sẽ tìm ra hướng xử lý phù hợp theo đúng quy định pháp luật.
“Đối với các cơ quan tố tụng cấp huyện nếu không thống nhất về quan điểm xử lý thì trong từng giai đoạn tố tụng, các cơ quan đang thụ lý vụ án sẽ thỉnh thị lên cấp tỉnh theo ngành dọc của mình. Trên cơ sở đó liên ngành cấp tỉnh sẽ thống nhất hướng xử lý” - ông Thắng nói.
Theo báo cáo của Viện KSND tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, ở cấp tỉnh đã có 7 vụ án, 20 bị can được Viện KSND trả hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra bổ sung. Trong đó, lý do trả hồ sơ chủ yếu là thiếu chứng cứ và chưa rõ hành vi. Trong khi đó, theo thống kê của TAND tỉnh, từ tháng 10-2018 đến nay, TAND tỉnh đã trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung 45 vụ (trong đó có 5 vụ phải trả hồ sơ lần thứ 2 và 1 vụ trên 2 lần). |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc giải quyết các vụ án phải kéo dài, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó, công tác tiếp nhận tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có lúc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn những trường hợp tin báo quá thời hạn giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc và phải chờ kết luận của các cơ quan liên quan.
Nói về thực trạng này, thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an H.Tân Phú cho biết, một số khó khăn, vướng mắc của công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm là: nhiều tin báo về các vụ việc xảy ra đã quá lâu; một số tin báo khi tiếp nhận khó phân định giữa dấu hiệu hình sự và dân sự; một số vụ việc có liên quan đến nhiều người, ở nhiều địa bàn… Trong khi đó, theo quy định công an cấp xã chỉ có 24 giờ để xác minh, báo cáo cho cấp huyện nên không đủ thời gian để xử lý.
Bà Lưu Thị Hà, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, qua công tác giám sát việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành Công an, Viện KSND, Tòa án tại các địa phương cho thấy, một số tin báo công an cấp xã đã tiếp nhận nhưng chưa kịp thời báo cho công an cấp huyện để giải quyết. Trong khi đó, ở cấp huyện còn có tình trạng tin báo được giải quyết chậm. Bên cạnh đó, còn có tình trạng chưa thống nhất trong việc phân công thẩm quyền thụ lý các vụ việc giữa cơ quan điều tra hai cấp tỉnh và huyện dẫn đến những tồn tại trong việc giải quyết các vụ án.
Đối với công tác khởi tố, điều tra, theo các cơ quan chức năng vấn đề còn vướng mắc là công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến tình trạng án phải kéo dài.
Nói về vấn đề này, thượng tá Phan Văn Cảnh, Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, khó khăn nhất hiện nay là công tác giám định trên một số lĩnh vực như: môi trường, tài chính, ngân hàng, xây dựng… Các lĩnh vực này đang thiếu giám định viên tư pháp khiến cho công tác giám định phải kéo dài gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Trong khi đó, công tác khởi tố, điều tra của các cơ quan tố tụng phải dựa trên cơ sở kết quả giám định.
* Chủ động phối hợp trong công tác tố tụng
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành Công an, Viện KSND, Tòa án, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, vấn đề mà quy chế phối hợp liên ngành đặt ra là giữa các cơ quan tố tụng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tác nghiệp như: tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các vụ việc. Trên cơ sở đó, nếu có phát sinh những vấn đề vướng mắc, các bên đều có thể ngồi lại cùng giải quyết để vụ việc được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ điều tra theo quy định. Việc phối hợp nếu được thực hiện tốt sẽ tránh được tình trạng án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần dẫn đến kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Qua giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành Công an, Viện KSND, Tòa án cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn những vụ việc thiếu sự chủ động phối hợp dẫn đến án chậm, kéo dài. Trong đó vấn đề đáng quan tâm nhất là để các vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.
Trước thực tế này, ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, các cơ quan liên quan cần đánh giá lại việc thực hiện quy chế, nhìn thẳng vào từng vấn đề cụ thể để xác định được những tồn tại, vướng mắc, khó khăn để tìm cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cùng phải tăng cường công tác phối hợp để xử lý vụ việc đạt kết quả cao nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, lãnh đạo liên ngành Công an, Viện KSND và Tòa án phải tăng cường phối hợp trong các khâu từ tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm đến hoạt động xét xử. Trong từng giai đoạn điều tra, kiểm sát viên, điều tra viên phải có đánh giá lại kết quả để tránh tình trạng án phải trả hồ sơ điều tra lại nhiều lần.
Trần Danh