Liên quan đến hình ảnh ông Trần Hữu Sỹ (78 tuổi, ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) quỳ gối đội đơn xin được xử án được một số tờ báo phản ánh thời gian gần đây, TAND tỉnh vừa có văn bản chính thức xác nhận đây là sự việc được dàn dựng vào thời điểm chưa diễn ra phiên tòa và Hội đồng xét xử cũng không chứng kiến.
Liên quan đến hình ảnh ông Trần Hữu Sỹ (78 tuổi, ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) quỳ gối đội đơn xin được xử án được một số tờ báo phản ánh thời gian gần đây, TAND tỉnh vừa có văn bản chính thức xác nhận đây là sự việc được dàn dựng vào thời điểm chưa diễn ra phiên tòa và Hội đồng xét xử cũng không chứng kiến.
Công văn của TAND tỉnh thông tin chính thức về hình ảnh ông Trần Hữu Sỹ quỳ gối đội đơn xin xử án đăng trên một số báo |
Trước đó, vào ngày 8-9, TAND tỉnh quyết định mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng thuê nhận khoán hồ vườn ươm, giữa nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ - bà Trần Thị Điểm và bị đơn là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tuy nhiên đại diện bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa vì vấn đề sức khỏe nên Hội đồng xét xử tiếp tục ban hành quyết định hoãn phiên tòa và ấn định thời gian mở lại phiên tòa vào ngày 25-9.
Sau khi hoãn phiên tòa thì xuất hiện hình ảnh và thông tin ông Sỹ quỳ gối đội đơn xin đưa vụ án ra xét xử trên một số tờ báo.
Trao đổi về vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước khẳng định, trong suốt quá trình diễn biến phiên tòa từ thời điểm khai mạc cho đến khi kết thúc, Hội đồng xét xử không biết đến việc ông Sỹ quỳ gối giữa tòa xin xử án. “Có chăng đây chỉ là sự dàn dựng và hình ảnh được chụp vào lúc Hội đồng xét xử chưa có mặt và vụ án chưa được đưa ra xét xử. Riêng việc ra quyết định hoãn phiên tòa là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật” - ông Phước cho biết thêm.
Nội dung vụ việc được xác định, vào năm 1992, ông Sỹ ký hợp đồng thuê diện tích hồ rộng 27ha của Trung tâm Du lịch (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) để thả cá với thời hạn 20 năm (5 triệu đồng/năm). Đến năm 1995, Trung tâm Du lịch giải thể và diện tích hồ được chuyển cho Lâm trường Mã Đà (thuộc Sở NN-PTNT) quản lý. Giữa lâm trường và ông Sỹ tiếp tục ký hợp đồng với nội dung như cũ và bổ sung nội dung định kỳ 5 năm hai bên phải ngồi lại xem xét, điều chỉnh thay đổi vì lợi ích chung.
Theo TAND tỉnh, hình ảnh ông Trần Hữu Sỹ quỳ gối giữa TAND tỉnh là dàn dựng |
Đến năm 1998, Lâm trường Mã Đà yêu cầu ông Sỹ thu hoạch thủy sản để thanh lý hợp đồng nhưng ông không chấp nhận. Giữa năm 2000, lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng nên ông Sỹ đã nộp đơn kiện lâm trường về việc tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm yêu cầu bồi thường gần 1,3 tỷ đồng.
Vụ tranh chấp được TAND H.Vĩnh Cửu đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 29-8-2003 và tuyên buộc lâm trường bồi thường hơn 900 triệu đồng cho ông Sỹ. Nhưng đến ngày 8-6-2004, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm do chưa thu thập đủ chứng cứ và xác định sai tư cách tham gia tố tụng (Lâm trường Mã Đà được đổi tên thành Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu).
Đến ngày 18-9-2006, TAND H.Vĩnh Cửu đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm buộc bị đơn là Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bồi thường cho ông Sỹ hơn 600 triệu đồng. Đến ngày 20-9-2007, TAND tỉnh xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm về đường lối.
Vụ án tiếp tục được giám đốc thẩm vào ngày 17-12-2010, TAND tối cao đã quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm với lý do bản án xác định sai quan hệ pháp luật, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và đường lối quyết định chưa đúng.
Đến tháng 10-2019, vụ án lại được TAND H.Vĩnh Cửu đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3 và tuyên buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (trước đó là Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu) bồi thường cho ông Sỹ hơn 1,2 tỷ đồng. Bản án này bị kháng cáo, kháng nghị và hồ sơ được chuyển đến TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa vụ án ra xét xử thì nguyên đơn và bị đơn đều nhiều lần đề nghị được hoãn phiên tòa hoặc không tham gia phiên tòa theo triệu tập buộc Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa theo quy định pháp luật.
Tố Tâm