Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe

09:09, 20/09/2020

Hiện nay, chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) đã được cơ quan chức năng áp dụng các phương thức mới; thêm vào đó, việc giám sát, quản lý về GPLX trong các dự thảo luật cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước đây sẽ góp phần đưa hoạt động đào tạo, sát hạch bằng lái xe vào nề nếp.

Hiện nay, chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) đã được cơ quan chức năng áp dụng các phương thức mới; thêm vào đó, việc giám sát, quản lý về GPLX trong các dự thảo luật cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước đây sẽ góp phần đưa hoạt động đào tạo, sát hạch bằng lái xe vào nề nếp.

Học viên kết thúc bài thi thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại I (Sở GT-VT). Ảnh: Thanh Hải
Học viên kết thúc bài thi thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại I (Sở GT-VT). Ảnh: Thanh Hải

* Nhiều điều chỉnh mới

Theo dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất mỗi bằng lái có 12 điểm. Điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong thời hạn 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì bằng lái sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, bằng lái sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp GPLX mới phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng.

Theo Sở GT-VT, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã thu hồi 12 GPLX do sử dụng GPLX giả hoặc khai man; thông báo hủy đối với hơn 3.700 trường hợp GPLX mất được cấp lại.

Bộ Công an cho rằng, việc cấp số điểm cụ thể cho bằng lái sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp bằng lái. Thực tế hiện nay, sau khi được cấp bằng lái, tài xế gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát… Do đó, Bộ Công an đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó, có các lỗi như: chạy quá tốc độ 10-20 km/giờ, chở quá số người vượt trên 50-100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc…

Theo quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Việt Nam có tất cả 12 hạng GPLX: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GT-VT đề xuất sẽ có 14 hạng (gồm A1, A, B1, B2, B, C, D1, D2, D, BE, CE, D1E, D2E và DE).

GPLX đã cấp hiện nay vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (các hạng A1, A2, A3 không thời hạn, giấy phép hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ). Khi GPLX hết thời hạn, bị hỏng, bị mất hoặc muốn đổi GPLX theo hạng mới để được chấp nhận và tham gia giao thông khu vực và quốc tế thì phải đổi lại GPLX theo hạng mới.

Cũng từ tháng 8-2020, bộ 600 câu hỏi sát hạch lái xe ô tô chính thức áp dụng. Trong đó, có 60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng để tính “điểm liệt”, mỗi bài sát hạch lý thuyết sẽ có một câu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo lái xe ô tô Việt Nam xuất hiện câu hỏi dạng này.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phân tích, nội dung của 60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng không chỉ là tình huống, mà còn là những quy định pháp luật, thao tác an toàn phải tuân thủ. Buộc người học bằng lái phải học và hiểu luật để chấp hành đúng luật trong suốt quá trình lái xe.

* Đưa công nghệ vào giám sát, quản lý

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, để chống GPLX giả, từ ngày 1-6-2020, GPLX đã có nhiều tính năng bảo mật như sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh. Mặt sau của GPLX cấp mới đã được in mã hai chiều (QR) để hiển thị thông tin của lái xe. Mã QR để đọc, giải mã nhanh thông tin trên bằng lái và liên kết với hệ thống thông tin quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để lực lượng chức năng xác minh tính xác thực và tra cứu thông tin của GPLX.

Học viên thi lý thuyết lái xe tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Học viên thi lý thuyết lái xe tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Ông Huyện lý giải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng cập nhật, khai thác, theo dõi vi phạm của người lái xe khi cần thiết. Với những GPLX được cấp trước thời điểm ngày 1-6 thì người dân vẫn sử dụng bình thường, việc thay đổi này không gây phiền hà, phát sinh thủ tục.

Tại Đồng Nai, hoạt động này cũng được triển khai đồng bộ từ ngày 1-6. Theo Sở GT-VT, đến nay đã có gần 28 ngàn bằng lái xe (bao gồm cấp đổi, cấp mới) có mã QR theo đúng quy định. Lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ sẽ dùng phần mềm quét mã QR, từ đó sẽ cho kết quả về GPLX ngay lập tức.

Ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết thêm, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8-10-2019 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2019 đã có những thay đổi cơ bản trong sát hạch, đào tạo cấp GPLX. Trong đó, đưa công nghệ vào giám sát, đào tạo, sát hạch bằng lái xe. Hiện nay, tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong sa hình, lái xe trên đường đều được chấm điểm tự động.

Đến nay, Sở GT-VT cấp giấy phép cho 11 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 11 cơ sở đào tạo lái xe mô tô có gắn thiết bị chấm điểm tự động. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép 3 trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động (gồm 2 trung tâm loại I và 1 trung tâm loại II); Sở GT-VT cấp phép 4 trung tâm sát hạch lái xe loại III.

Công tác sát hạch lý thuyết, từ việc sát hạch trắc nghiệm trên giấy, đến nay đã có phần mềm sát hạch trên máy vi tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên lấy trong ngân hàng dữ liệu. Phòng sát hạch lý thuyết có gắn các camera lưu trữ dữ liệu và truyền ra màn hình trong phòng hội đồng và phòng chờ.

Với sát hạch thực hành lái xe trong hình, thí sinh tự điều khiển ô tô qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và biên bản tổng hợp được in ra từ máy tính. Trong quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh được công khai trên loa phóng thanh, loa trong ô tô sát hạch và màn hình hiển thị trong phòng chờ để thí sinh và người dân giám sát.

“Việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động và tổ chức giám sát các kỳ sát hạch được thực hiện công khai minh bạch, chất lượng sát hạch nâng lên. Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã phủ kín khắp tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người dân khi đăng ký học và dự sát hạch tại các trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện” - ông Dương Văn Đông nhấn mạnh.

Đề xuất chuyển sát hạch cấp, đổi và thu hồi GPLX từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GT-VT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án, vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, Bộ Công an kiến nghị việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an.

Thanh Hải

Tin xem nhiều