Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên án hành vi bạo hành cha mẹ

09:09, 14/09/2020

Trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip quay cảnh con bạo lực, ngược đãi cha mẹ. Hành vi của những người con này bị cộng đồng mạng phản ứng, lên án gay gắt.

Trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip quay cảnh con bạo lực, ngược đãi cha mẹ. Hành vi của những người con này bị cộng đồng mạng phản ứng, lên án gay gắt.

Luật sư Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) nhận định, xét về mặt đạo đức, hành vi bạo hành cha mẹ là cách hành xử bất hiếu, trái luân thường, đạo lý; còn về mặt pháp luật thì đó là hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hình sự.

* Xót xa cảnh cha mẹ già bị con ngược đãi

Ngày 7-9, mạng xã hội xuất hiện clip dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh bà N.T.H. (66 tuổi, ngụ xã Long Hòa, H.Cần Đước, tỉnh Long An) bạo hành mẹ ruột 79 tuổi (hiện người mẹ này đã qua đời). Sau khi clip được phát tán, cơ quan chức năng đã vào cuộc và bà H. bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình.

Cuối tháng 8-2020, mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 3 phút, ghi lại cảnh một người đàn ông (ngụ xã Nam Phương Tiến, H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội) bị trói 2 chân, 2 tay và bị một nam thanh niên dùng tay, dép đánh liên tiếp vào đầu, mặt; bên cạnh là người phụ nữ đứng chửi bới người đàn ông. Người thanh niên này chính là con trai, người phụ nữ là vợ của người đàn ông nói trên.

Trước đó, vào cuối tháng 2-2020, mạng xã hội cũng xuất hiện clip ghi lại cảnh cụ bà V.T.D. (88 tuổi, ấp An Khương, xã An Thạnh Thủy, H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang nằm trên giường thì bị con dâu và con trai dùng tay và roi đánh đập liên tục trong lúc thay tã, vệ sinh cho bà. 2 người bạo hành cụ bà gồm: con trai V.Q.T. (56 tuổi) và con dâu P.T.L. (57 tuổi, vợ ông T.).

Cả 3 vụ việc trên đều đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, hành vi bạo hành cha mẹ của những người con này còn bị dư luận lên án gay gắt và yêu cầu xử lý nghiêm.

* Xử lý hành vi bạo hành cha mẹ

Theo luật sư Vòng Khiềng, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cấm các hành vi: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở...

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi hành hạ, ngược đãi, đối xử tồi tệ với cha mẹ bao gồm: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bỏ mặc không chăm sóc. Hành vi xâm hại sức khỏe cha mẹ là sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích.

Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-5 năm: đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Luật sư Vòng Khiềng phân tích, theo thông tin từ các cơ quan báo chí thì vụ việc bà N.T.H. bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (theo Điều 185  Bộ luật Hình sự năm 2015) là đúng người, đúng tội, thỏa đáng dư luận. Các vụ việc còn lại nếu đủ yếu tố cấu thành tội danh trên thì sẽ bị xử lý hình sự; ngược lại, nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, để xử lý hành vi bạo lực gia đình, Nghị định 167/2013/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt: từ 1-2 triệu đồng và xin lỗi công khai theo yêu cầu của nạn nhân đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình (Điều 49). Phạt từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng và công khai xin lỗi theo yêu cầu của nạn nhân đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình (Điều 50) và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình (Điều 51). Phạt từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (Điều 52). Phạt tiền từ 100-500 ngàn đồng đối với hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình (Điều 59)...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều