Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán 1 bao thuốc lá lậu sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng

08:09, 27/09/2020

Đây là một trong những quy định mới của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (gọi tắt là Nghị định 98).

Đây là một trong những quy định mới của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (gọi tắt là Nghị định 98).

Từ ngày 15-10, không chỉ các đối tượng buôn bán, vận chuyển số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu bị xử lý mà ngay cả người bán lẻ thuốc lá điếu nhập lậu cũng bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Đối tượng và tang vật trong một vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt giữ tại TP.Long Khánh vào tháng 2-2020. Ảnh: Đ.Phú
Từ ngày 15-10, không chỉ các đối tượng buôn bán, vận chuyển số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu bị xử lý mà ngay cả người bán lẻ thuốc lá điếu nhập lậu cũng bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Đối tượng và tang vật trong một vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt giữ tại TP.Long Khánh vào tháng 2-2020. Ảnh: Đ.Phú

Theo đó, từ ngày 15-10, người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền lên tới 3 triệu đồng.

* Góp phần ngăn chặn tình trạng bán lẻ thuốc lá lậu

Hiện nay, người hút thuốc lá rất dễ dàng mua thuốc lá điếu nhập lậu như: Jet, Hero... ở các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê. Vì chiều theo “gu” của khách nên người bán dù biết rõ đây là mặt hàng cấm lưu hành, hàng nhập lậu nhưng vẫn bán.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho biết, từ ngày 15-10, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu dù chỉ 1 điếu cũng bị xử phạt hành chính. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao (1 bao = 20 điếu, đối với thuốc lá xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao).

Cũng theo luật sư Định, thuốc lá điếu nhập lậu được xem là hàng cấm lưu hành. Do đó, việc buôn bán, vận chuyển, dự trữ, trao đổi mặt hàng này bị pháp luật nghiêm cấm từ rất lâu chứ không phải tới bây giờ. Tuy nhiên, đa phần những người buôn bán nhỏ, lẻ cho rằng, họ chỉ bán vài bao thuốc lá nhập lậu nên khả năng chỉ bị lực lượng chức năng nhắc nhở hoặc tịch thu hàng hóa là xong.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, Nghị định 98 quy định rất rõ, đối tượng vi phạm như: hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật mà  vi phạm các quy định tại nghị định này sẽ bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm” - luật sư Định nhấn mạnh.

* Mức xử phạt tăng theo số lượng thuốc lá nhập lậu

Tại Điều 8, Nghị định 98 quy định, phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao (Khoản 2); phạt từ 5-10 triệu đồng đối với số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao (Khoản 3); phạt từ 70-90 triệu đồng đối với số lượng từ 1,2 ngàn đến dưới 1,5 ngàn bao (Khoản 7); phạt từ 90-100 triệu đồng đối với số lượng từ 1,5 ngàn bao trở lên (Khoản 8).

Riêng tại Khoản 9, Nghị định 98 thì quy định, phạt tiền gấp 2 lần mức phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 8 đối với hành vi sản xuất thuốc lá điếu lậu. Đồng thời, các hành vi như: vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá lậu cũng bị xử phạt số tiền như với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu quy định từ Khoản 1 đến Khoản 8.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội luật gia tỉnh phân tích, Điều 8, Nghị định 98 quy định như vậy là khá chặt chẽ, có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm khi người buôn bán thuốc lá nhập lậu nhỏ, lẻ biện minh, chối cãi hành vi vi phạm của mình khi bị phát hiện với lý do: đó là số lượng thuốc họ dự trữ để sử dụng, được bạn bè cho tặng...

“Theo Nghị định 98 thì đó là hành vi tàng trữ, còn khi cho, tặng mà bị bắt quả tang là hành vi giao nhận hàng cấm. Các hành vi này có mức phạt tiền cao gấp đôi so với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu khi có cùng số lượng” - luật gia Vòng Khiềng nói.

Để có hành lang pháp lý đầy đủ trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với thuốc lá điếu nhập lậu, Mục 4, Nghị định 98 có 7 điều (từ Điều 18 đến Điều 24) quy định về hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá. Các điều này quy định mức chế tài từ 500 ngàn đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: về nhập khẩu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá (Điều 18); về mua bán, chuyển nhượng tem, giấy cuốn điếu thuốc lá (Điều 19); về dán tem nhập khấu đối với thuốc lá nhập khẩu (Điều 20)...

“Điểm đáng lưu ý nhất của Mục 4, Nghị định 98 là Điều 23. Vì Điều 23 đã cụ thể hóa và đưa ra mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi mà Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2018 chưa quy định cụ thể” - luật sư Vòng Khiềng chỉ rõ.

Điều 23 Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán theo quy định bị phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá. Phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm; bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho biết, cụm từ “buôn bán” trong Nghị định 98 được giải thích là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông. Do đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm một trong các hoạt động trên là bị chế tài.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều