- Ông Nguyễn Bá Lộc, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (đóng tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho hay, rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung.
- Ông Nguyễn Bá Lộc, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (đóng tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho hay, rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung. Đóng cửa rừng tự nhiên là dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong một thời gian nhất định bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mở cửa rừng tự nhiên là cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên trở lại bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo ông Lộc, Khoản 1, Điều 30, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong các trường hợp: tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng. Rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Mở cửa rừng tự nhiên được thực hiện khi khắc phục được tình trạng quy định tại Khoản 1 điều này. Việc đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế Quản lý rừng.
Còn thẩm quyền, trình tự, thủ tục, công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên, ông Lộc cho biết, Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên đối với diện tích rừng tự nhiên tại địa phương sau khi được HĐND cùng cấp thông qua đề án đóng, mở cửa rừng tự nhiên. Quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên phải được công bố, niêm yết công khai. Trình tự, thủ tục công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế Quản lý rừng.
Diễm Quỳnh (ghi)