Trước tình trạng vi phạm về môi trường còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.
Trước tình trạng các vi phạm về môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn. Chỉ trong hơn 1 tháng qua đã có nhiều vụ xả thải, đổ, chôn lấp chất thải không đúng quy định ra môi trường bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang.
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra khu vực chứa chất thải của Công ty TNHH Shing Mark Vina (H.Trảng Bom). Ảnh: T.Danh |
* Xả, đổ chất thải nguy hại ra môi trường
Việc tổ chức xả, đổ chất thải nguy hại ra môi trường được thực hiện ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường lợi dụng trời mưa lớn, lén đổ nước thải công nghiệp, chưa xử lý ra sông, suối hoặc thuê người thu gom chất thải mang ra ngoài đổ thì hiện nay, có doanh nghiệp tự đốt hoặc đào hố chôn lấp chất thải nguy hại ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp; việc phát hiện, bắt quả tang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể như ngày 10-7, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh bắt quả tang công nhân của Công ty TNHH Shing Mark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, xã Đồi 61, H.Trảng Bom) chôn lấp và đốt hơn 13 tấn chất thải chưa qua xử lý ngay trong khu đất của công ty này. Trong đó có các loại chất thải nguy hại như: túi ny-lông, giấy thải, gỗ vụn và giẻ lau thải nhiễm các loại hóa chất trong quá trình sản xuất của công ty.
Qua làm việc với công an, đại diện Công ty TNHH Shing Mark Vina và những người liên quan khai nhận, từ đầu tháng 6-2020 đến thời điểm bị phát hiện, mỗi ngày công ty này đưa vào lò đốt khoảng 1 tấn chất thải tương tự. Ngoài ra còn một lượng lớn được các công nhân của công ty đem chôn lấp khu vực bên trong khuôn viên công ty.
Trước những dấu hiệu vi phạm nêu trên, lực lượng chức năng đã tiến hành đào bới tại nhiều vị trí quanh khuôn viên công ty này và thu giữ hàng tấn chất thải được chôn lấp tại đây.
Không chỉ trong các doanh nghiệp mà ngay cả các khu dân cư vẫn có những cơ sở thu gom phế liệu từ các doanh nghiệp và lén lút đổ hóa chất nguy hại ra môi trường. Gần nhất là vụ đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của cơ sở thu gom phế liệu của ông Lê Văn Vân và bà Phạm Thị Ngọc Diễm (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom).
Ngày 13-8, sau một thời gian theo dõi, các trinh sát PC05 Công an tỉnh kiểm tra cơ sở thu gom phế liệu của ông Vân và phát hiện khu vực bãi đất trống phía sau cơ sở này có chứa cặn, bùn thải từ quá trình súc, rửa các loại thùng phuy bằng sắt đựng hóa chất.
Qua xác minh của công an, sau khi thu gom các loại thùng phuy đựng hóa chất về để làm phế liệu, ông Vân đã chỉ đạo công nhân tiến hành súc, rửa cặn hóa chất trong các thùng phuy rồi đổ thẳng ra khu đất phía sau cơ sở của mình.
Trước những dấu hiệu vi phạm này, các đơn vị chức năng đã tiến hành thu gom, lấy mẫu để giám định. Kết quả đã có hơn 6,4 tấn chất thải rắn được thu giữ tại cơ sở của ông Vân để phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh việc thu giữ số chất thải trên, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ gần 1 ngàn thùng phuy các loại và hơn 4 tấn dung dịch dùng để súc, rửa.
* Tăng cường giám sát từ cơ sở
Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng 3, Viện KSND tỉnh cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh đã thụ lý phân công điều tra viên và kiểm sát viên giải quyết nguồn tin tội phạm của 2 vụ việc nêu trên. Qua xác minh ban đầu, xác định các vụ việc có dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tại Điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự thì mức độ “ô nhiễm môi trường” là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Hàng trăm thùng phuy chứa hóa chất được tập kết để súc rửa thủ công bị thu giữ tại cơ sở kinh doanh phế thải ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom). Ảnh: T.Danh |
Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 lấy mẫu chất thải tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh này để tiến hành trưng cầu giám định viên tư pháp về môi trường để giám định. Trên cơ sở kết quả giám định, các cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Với những vi phạm về môi trường khi có kết quả giám định, nếu đủ cơ sở pháp lý thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để xử lý hình sự. Trong trường hợp kết quả giám định chưa đủ căn cứ sẽ xử lý về mặt hành chính.
Cùng trao đổi về vấn đề này, thượng tá Lương Đại Thủy, Trưởng PC05 Công an tỉnh cho biết, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phế thải nói trên có những hành vi xả thải không đúng quy chuẩn hoặc chôn lấp chất thải trái quy định pháp luật. Hiện các đơn vị liên quan đang điều tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân tích nguyên nhân của những vi phạm trên lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, thượng tá Lương Đại Thủy cho rằng, xuất phát từ lợi ích kinh tế cộng với nhận thức pháp luật còn hạn chế của một số cá nhân, đơn vị dẫn đến vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, một số doanh nghiệp không có sự đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn. Từ đó, các chất thải trong hoạt động kinh doanh, sản xuất đã “phó mặc” cho một số bộ phận nhân viên tự tìm cách giải quyết. Đối với một số hộ kinh doanh cũng đã bất chấp các quy định tìm cách đổ chất thải không đúng quy chuẩn để giảm bớt các chi phí liên quan. Thực tế này đã và đang khiến cho việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn, kịp thời xử lý các vi phạm nói trên, theo thượng tá Lương Đại Thủy ngoài công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng cảnh sát môi trường thì công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; chính quyền địa phương và lực lượng cơ sở cũng rất quan trọng.
“Việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh phế thải phải được thực hiện một cách chặt chẽ và có sự giám sát. Đối với chính quyền địa phương cũng phải phát huy vai trò giám sát cơ sở đối với công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn” - thượng tá Thủy nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt vai trò này, theo thượng tá Thủy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường. Khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở thì việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ được đảm bảo và hiệu quả hơn.
Theo Công an tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, trên lĩnh vực kinh tế, môi trường lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 227 vụ/270 cá nhân, tổ chức vi phạm. Qua đó đã điều tra, khởi tố 41 vụ/59 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 178 vụ/202 cá nhân, tổ chức với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. |
Trần Danh