Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người dân được công nhận là chủ rừng

10:08, 17/08/2020

Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra bảo vệ rừng theo đúng chức năng, thẩm quyền của chủ rừng. Ảnh: Đ.Phú
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra bảo vệ rừng theo đúng chức năng, thẩm quyền của chủ rừng. Ảnh: Đ.Phú

Do đó, cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng.

* Con được kế tục cha trồng rừng

Năm 2015, ông Năm Bé (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là KBT) giao khoán 3ha đất để trồng rừng. Ông Năm Bé thắc mắc, sau này khi ông mất đi, con trai của ông có được quyền hưởng thừa kế toàn bộ gia sản từ 3ha đất mà KBT đã giao khoán cho ông trồng rừng không?

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng. Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Nhà nước thu hồi lại đất rừng khi chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật...

Cũng theo luật sư Đức, chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước (UBND các cấp, Chính phủ) giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Do ông Năm Bé là hộ được nhận giao khoán lại từ KBT nên lúc này KBT mới là chủ rừng và KBT mới có đầy đủ quyền của chủ rừng. Tuy quyền của ông bị giới hạn hơn so với chủ rừng nhưng con ông vẫn được hưởng quyền thừa kế toàn bộ 3ha rừng được KBT giao khoán khi ông mất.

Theo KBT, dù công tác quản lý, bảo vệ rừng được siết chặt, tuy vậy, trong thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng một số hộ dân chặt phá, hủy hoại cây rừng để lấy thêm diện tích, không gian canh tác cây trồng; hay việc tự ý xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình kiến trúc kiên cố trong lâm phận vẫn còn xảy ra.  Không chỉ thế, một số trường hợp còn khiếu kiện, khiếu nại đến các cơ quan chức năng kiến nghị KBT chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần đất mà họ được giao khoán để trồng rừng…

Luật sư Nguyễn Đức phân tích, Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm hành các hành vi sau: chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng. Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật...

* Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng...

Ông Nguyễn Bá Lộc, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm KBT cho hay, nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng như sau: phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; diện tích rừng hiện có tại địa phương. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng - an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp. Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

Đồng thời, theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi đất phải thống nhất, đồng bộ. Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất. Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng. Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

“Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng gồm: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị vũ trang. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó” - ông Lộc nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều