Với vai trò Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9) Viện KSND tỉnh, ông La Minh Dũng đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động nghiệp vụ bằng các chuyên đề thiết thực góp phần tạo chuyển biến trong hoạt động kiểm sát các vụ án dân sự.
Với vai trò Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9) Viện KSND tỉnh, ông La Minh Dũng đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động nghiệp vụ bằng các chuyên đề thiết thực góp phần tạo chuyển biến trong hoạt động kiểm sát các vụ án dân sự.
Ông La Minh Dũng, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình Viện KSND tỉnh nghiên cứu các quy định pháp luật để tham mưu giải quyết các hoạt động kiểm sát của ngành. Ảnh: Trần Danh |
* “Điểm huyệt” những tồn tại trong giải quyết án dân sự
Ông La Minh Dũng cho biết, cũng như các loại án khác, án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình đều nảy sinh trong các hoạt động quan hệ xã hội. Những mâu thuẫn đó xuất phát từ những tranh chấp giữa các cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau. Chính vì vậy, để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh đòi hỏi những người tham gia giải quyết phải am hiểu, nắm bắt những quy định trên tất cả các lĩnh vực để làm căn cứ xử lý và giải quyết vụ việc một cách thấu tình, đạt lý.
Ngoài công tác quản lý Phòng 9, ông Dũng còn tham gia sâu vào các hoạt động nghiệp vụ để cùng các cán bộ kiểm sát trong phòng kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Với những đóng góp tích cực cho ngành Kiểm sát, nhiều năm qua ông La Minh Dũng đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và chiến sĩ thi đua của ngành Kiểm sát. Năm 2019, ông Dũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Đặc biệt, trong những năm gần đây, ông Dũng đã chủ trì xây dựng và triển khai nhiều chuyên đề thiết thực, có tác động tích cực đến các hoạt động kiểm sát của đơn vị cũng như của viện KSND cấp huyện. Qua đó đã tham mưu cho lãnh đạo viện chỉ đạo, xử lý các vấn đề còn tồn tại trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Kiểm sát.
Từ năm 2018 đến nay, ông Dũng đã chủ trì xây dựng các chuyên đề như: Rút kinh nghiệm công tác kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2018; Rút kinh nghiệm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm dân sự, hôn nhân và gia đình bị cấp phúc thẩm tuyên sửa và hủy án… Trên cơ sở các chuyên đề được ông Dũng và các cộng sự xây dựng, Viện KSND tỉnh triển khai các hội nghị để trao đổi kinh nghiệm và phổ biến trong toàn ngành. Qua đó đã giúp các cán bộ kiểm sát có thêm kinh nghiệm, bài học thiết thực trong vai trò kiểm sát khi thực thi nhiệm vụ.
Nói về những giải pháp mà mình đã dày công xây dựng trong các chuyên đề, ông Dũng cho biết, qua thực tế rà soát, tổng hợp các vụ án đã và đang được giải quyết ở các cấp, bản thân ông đã rút ra những điểm chung trong các tồn tại. Chẳng hạn như qua rà soát các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự của tòa án 2 cấp đã phát hiện một lượng lớn quyết định tạm đình chỉ sai quy định.
Cụ thể như năm 2018, qua kiểm tra gần 600 vụ án bị tạm đình chỉ đã phát hiện 45% số quyết định có vi phạm. Trước thực tế đó, Phòng 9 đã xây dựng chuyên đề để chỉ ra những vi phạm trong việc ra quyết định tạm đình chỉ nói trên. Qua đó đã có ít nhất 7 dạng vi phạm được “gọi tên” nhằm giúp kiểm sát viên có thêm kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
* Góp phần tạo chuyển biến trong hoạt động kiểm sát
Một trong những vấn đề mà cá nhân ông Dũng cũng như các cán bộ kiểm sát Phòng 9 đặc biệt quan tâm là công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án và chấp hành pháp luật của những người liên quan tại các phiên tòa. Qua đó, kiểm sát viên sẽ rút ra những kinh nghiệm trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; kịp thời kháng nghị phúc thẩm để giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Ông Dũng nêu ví dụ như vụ án tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà T.T.N. và bị đơn là ông T.Đ.C. (đều ngụ H.Thống Nhất). Qua công tác kiểm sát xác định, tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng là bỏ sót tư cách tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện ủy quyền vẫn được thực hiện khi giấy ủy quyền không còn hiệu lực; phiên tòa không có phần tranh tụng tại tòa; biên bản nghị án không đúng quy định… Ngoài ra, còn có rất nhiều vụ án khác đã được ông Dũng đưa vào chuyên đề để rút kinh nghiệm chung trong công tác kiểm sát.
Đi sâu vào công tác kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án và nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên tại các phiên tòa, thời gian vừa qua Phòng 9 Viện KSND tỉnh mà trực tiếp là ông Dũng đã xây dựng chuyên đề riêng để giúp kiểm sát viên củng cố trong các hoạt động này.
Ông Dũng cho biết, từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực (từ tháng 7-2016) đến nay đã có hàng ngàn vụ án dân sự được đưa ra xét xử có sự tham gia của kiểm sát viên. Tuy nhiên, ở một số đơn vị việc xây dựng bài phát biểu của kiểm sát viên tại các phiên tòa sơ thẩm chất lượng chưa cao, còn rập khuôn, chưa có sáng tạo… Trước thực tế đó, bản thân ông đã tham mưu cho lãnh đạo Viện KSND tỉnh xây dựng chuyên đề nhằm giúp kiểm sát viên có những chuyển biến trong những phát biểu, đánh giá, phân tích tại các phiên tòa.
Nói về đóng góp của cá nhân ông Dũng trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị, ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết, những sáng kiến của ông Dũng rất thiết thực và sát với thực tế hoạt động chuyên môn của ngành. Đặc biệt, trong những năm qua, ông Dũng đã xây dựng nhiều chuyên đề nghiệp vụ giúp cho đội ngũ kiểm sát viên, nhất là kiểm sát viên cấp huyện giải tỏa được những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Không những thế những sáng kiến về giải pháp được nêu trong các chuyên đề đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động kiểm sát.
Trần Danh