Theo Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào ngày 26-6 ở H.Nhơn Trạch, cử tri Đỗ Văn Nữa (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) kiến nghị, nếu người dân tố cáo đúng thì phải quan tâm giải quyết, còn nếu tố cáo sai thì phải nghiêm khắc xử lý. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống vẫn xảy ra nhiều trường hợp vì bức xúc vấn đề cá nhân nên lợi dụng quyền tố cáo để gây sức ép, vu khống, xúc phạm người khác, cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền.
* Tạo áp lực cho cơ quan chức năng
Thông thường, các vụ khiếu nại, vấn đề tranh chấp dân sự, hành chính được giải quyết bằng nhiều phương thức như: hòa giải, giải quyết khiếu nại, tranh chấp tại địa phương, tòa án. Tuy vậy, nhiều người lại chọn giải pháp tố cáo thay cho khiếu nại với mục đích tạo áp lực cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ việc tranh chấp dân sự, hành chính.
Chẳng hạn như trường hợp của bà P.T.N. (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) do bức xúc vì không được cấp quyền sử dụng đất. Thay vì thực hiện đúng các thủ tục, quy trình mà cán bộ, cơ quan thụ lý hồ sơ hướng dẫn, bổ sung theo đúng quy định, bà N. lại lợi dụng các diễn đàn tiếp xúc cử tri của Quốc hội, HĐND các cấp để tố cáo cán bộ tiêu cực, yêu cầu cơ quan chức năng phải giải quyết cấp quyền sử dụng đất cho bà.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, tố cáo là quyền của công dân, được pháp luật bảo vệ. Tuy vậy, pháp luật quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, hình thức tố cáo, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tố cáo... Đặc biệt, pháp luật cũng quy định cụ thể những hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, làm nhục, gây rối, xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự... người khác, cơ quan, tổ chức.
Theo luật sư Đức, pháp luật khuyến khích, bảo vệ người tố cáo đúng, trung thực thể hiện qua việc bảo vệ, khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với người tố cáo đúng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định người tố cáo có các nghĩa vụ như: trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra... Do đó, người tố cáo phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện hành vi tố cáo.
* Coi chừng trở thành người vi phạm
Mượn tiền của bà N.T.P. (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) không trả, ông H.V. (ngụ cùng địa phương) còn tố cáo bà P. cho ông mượn tiền là hành vi cho vay nặng lãi nhằm chây ì, kéo dài việc trả nợ khi bị bà P. đòi. Chính vì vậy, ông V. bị bà P. khởi kiện đòi nợ và có hành vi vu khống người khác.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người tố cáo có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật Tố cáo năm 2018 hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Hoặc như trường hợp của bà B.T.M. (ngụ xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) vì bức xúc trong vấn đề tranh chấp đất, dẫn tới việc tố cáo người khác chiếm dụng tài sản trái phép của mình. Do việc tố cáo không có cơ sở và thua kiện trong việc tranh chấp đất đai, bà M. có hành vi vu khống cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc tiêu cực, bao che, vi phạm pháp luật trong xét xử. Đặc biệt, bà còn có hành vi gây rối, chống đối trong quá trình thi hành án nên đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Nguyễn Đức cho hay, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Người tố cáo có quyền rút đơn tố cáo. Tuy nhiên, khi người tố cáo rút đơn tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đức nhấn mạnh, các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo như: cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
Đoàn Phú