Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắng "giặc Covid-19" - minh chứng rõ tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam

10:06, 09/06/2020

Đến thời điểm này, có thể coi cuộc chiến chống "giặc Covid-19" của Việt Nam đã giành thắng lợi. Ngay từ đầu, khi Covid-19 tràn qua biên giới, Việt Nam đã nhận biết và đánh giá đúng tác hại không thể lường trước nếu lơ là, mất cảnh giác, coi thường nó và đã xác định ngay chống Covid-19 như chống giặc.

Đến thời điểm này, có thể coi cuộc chiến chống “giặc Covid-19” của Việt Nam đã giành thắng lợi. Ngay từ đầu, khi Covid-19 tràn qua biên giới, Việt Nam đã nhận biết và đánh giá đúng tác hại không thể lường trước nếu lơ là, mất cảnh giác, coi thường nó và đã xác định ngay chống Covid-19 như chống giặc.

Một mẫu tranh cổ động về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: baochinhphu.vn
Một mẫu tranh cổ động về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: baochinhphu.vn

Mà đã coi là giặc tức là phải đánh, phải tiêu diệt chứ không chỉ chống. Vì vậy, ngay từ đầu, cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đã vào cuộc và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của “Bộ Tổng tư lệnh”. Chiến thuật đánh Covid-19 tuân thủ nguyên tắc của chiến dịch đánh giặc. Các hình thức chiến thuật vận dụng từ đánh nhỏ đến đánh lớn, từ bao vây, phục kích, đánh chặn đến dốc toàn lực lượng đánh một trận tổng lực để quyết giành thắng lợi và tiến tới thắng lợi hoàn toàn!

Trong khi Việt Nam đã giành thắng lợi cơ bản thì không ít quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang đương đầu với đại dịch Covid-19. Nhiều nước trên thế giới đã ca ngợi thành công của Việt Nam, một đất nước tiềm lực kinh tế còn hạn chế nhưng đã không chịu khuất phục “giặc Covid-19”, đã chiến đấu kiên cường và giành thắng lợi một cách ngoạn mục. Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, khi Việt Nam đã là một trong những nước mở cửa sớm nhất để phục hồi nền kinh tế thì trên hệ thống truyền thông của nhiều nước vẫn không ít nhận xét, đánh giá về thành công của Việt Nam và cho rằng những gì Việt Nam làm được là bài học hết sức quý giá cho các nước; ngay từ đầu, Việt Nam đã tiến hành cách ly người về từ ngoài biên giới để đánh chặn Covid-19; cách phòng dịch sớm, chủ động phòng ngừa từ xa của Việt Nam là cách ít tốn kém nhất và đem lại kết quả tốt nhất… Chính vì vậy, thành công đáng nể nhất là Việt Nam đã bảo vệ được mạng sống người dân của mình hiệu quả nhất. Cũng từ thành công của Việt Nam, truyền thông nhiều nước, các chính trị gia, nhà kinh tế khẳng định Việt Nam sẽ là một trong số ít nước trên thế giới kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020.

Người viết bài này muốn điểm lại dư luận của nhiều nước về thành công của Việt Nam trước một đại dịch toàn cầu đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới và đang làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng lớn… Nhắc lại để thấy rõ hơn ý nghĩa thành công của Việt Nam qua con mắt của bạn bè khắp thế giới.

Vậy mà khi thế giới đang hết lời khâm phục Việt Nam thì lại có những giọng điệu lạc lõng, những luận điệu xảo trá của những kẻ bất mãn chế độ, của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm xuyên tạc, bôi đen, bóp méo sự thật, muốn phủ nhận sạch trơn thành quả chống “giặc dịch” của chúng ta. Họ cho rằng Việt Nam chống được dịch Covid-19 là vì Việt Nam đàn áp nhân dân. Họ gọi những thôn, xã, phường cách ly là những “nhà tù” không hơn không kém. Việt Nam không minh bạch thông tin, bóp nghẹt tự do ngôn luận để che giấu tổn thất do dịch. Trắng trợn hơn, họ còn cao giọng nói rằng Việt Nam chống được dịch là vì thể chế “độc đảng”… Rõ ràng những luận điệu ấy còn nguy hại hơn cả dịch. Trớ trêu thay, trong số những người lên giọng phủ nhận ấy có người lại đang sống trên chính đất nước mình. Những ngày cả đất nước gồng mình chống chọi với “giặc Covid-19”, những con người ấy cũng được chứng kiến và thụ hưởng thành quả chống dịch, được cả guồng máy xã hội bảo vệ mạng sống… Tôi không muốn liệt kê ra những giọng điệu lạc lõng, có ý đồ xuyên tạc bởi vì thực tế không thể khác, những giọng điệu ấy không đánh lừa được ai.

Cả đất nước đang bước vào trạng thái bình thường mới nhằm khôi phục lại nền kinh tế vừa trải qua một “cơn bão bệnh dịch”. Thời điểm này cũng là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để hiểu những gì chúng ta đã trải qua sau hơn 3 tháng cả nước gồng lưng chống “giặc Covid-19”. Nhìn thẳng để tin dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cả nước đã đồng sức, đồng lòng vượt qua cái chết bằng trí và lực của chính mình. Trong suốt hơn 3 tháng cam go chống “giặc dịch”, Chính phủ hầu như từ 2-3 ngày lại có một cuộc họp chỉ đạo; các thành viên Chính phủ tỏa khắp các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, truyền đạt ý chí quyết tâm từ Trung ương xuống các địa phương để ổn định tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Ngày 30-3-2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, kiên quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước như lời hịch hội tụ sức mạnh truyền thống dân tộc trước hiểm họa của “giặc dịch”. Lời kêu gọi có đoạn: “… Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”.

Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết “chung lưng đấu cật”, không quản ngại gian khổ, hy sinh, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chống dịch. Thành công của những ngày đầu tiên thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội… đã sát cánh cùng nhau chống “giặc dịch”. Trên tuyến đầu, các y sĩ, bác sĩ dốc sức, dốc lòng cứu người bệnh; quân đội, công an trở thành lực lượng nòng cốt giúp đồng bào trong nước, ngoài nước trở về, nhường cơm sẻ áo, nhường nhà, nhường doanh trại cho người cách ly… Trong đại dịch, không chỉ xuất hiện nhiều nhà từ thiện cùng góp công, góp sức, góp tiền của cho cuộc chiến chống dịch mà từ trong nhân dân cũng xuất hiện nhiều tấm gương, tấm lòng hướng về các y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch thật sự xúc động. Người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo, có người chỉ mớ rau, củ, quả cũng đem đến giúp đỡ người ở tuyến đầu… Những tấm lòng thơm thảo của đồng bào, đồng chí như tiếp thêm năng lượng cho các y sĩ, bác sĩ đang không quản ngại hy sinh.

Sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành y tế, quân đội, công an và các ban, bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc kịp thời của MTTQ, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp… làm tăng thêm niềm tin trong nhân dân về thành công của cuộc chiến chống dịch. Chính từ niềm tin ấy, mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ được nhân dân đồng lòng, đồng sức ủng hộ.

Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trong hiểm nguy của đại dịch, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị bỏ ngoài xã hội. Gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ đã thể hiện điều đó. Các đối tượng chính sách, người nghèo, người không nơi nương tựa, người bán vé số; đối tượng kinh tế vỉa hè, người yếu thế đều có quyền thụ hưởng. Giữa cơn đại dịch Covid-19, ở Việt Nam, tất cả mọi người đều được bình đẳng chữa trị, trong nước cũng như nước ngoài về. Tính đến đầu tháng 6 này, trên thế giới đã có hơn 7 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 400 ngàn người tử vong nhưng Việt Nam không có ai tử vong. Nhiều người nước ngoài bị nhiễm Covid-19 đến Việt Nam được chữa trị khỏi, khi trở về nước đã không cầm lòng được, chỉ biết thốt ra lời: “Cảm ơn Việt Nam!”…

Một đất nước trong cơn hoạn nạn đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xung quanh Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chống dịch. Một đất nước trong cơn hoạn nạn không một ai bị bỏ lại phía sau, kể cả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài về. Một đất nước mà quyền cao nhất của con người là được sống, được bảo vệ mạng sống... đó không phải là giá trị cao nhất của nhân quyền ư?

(Theo qdnd.vn)

 

 

 

Tin xem nhiều