"Phản biện" hay "phản biện xã hội" là thuật ngữ quen thuộc trong môi trường dân chủ ngày nay. Hoạt động này ngày càng khẳng định là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển đất nước.
“Phản biện” hay “phản biện xã hội” là thuật ngữ quen thuộc trong môi trường dân chủ ngày nay. Hoạt động này ngày càng khẳng định là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển đất nước.
Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tranh minh họa: dangcongsan.vn |
Đảng ta luôn khuyến khích, coi trọng, tiếp thu các ý kiến phản biện nhằm mở rộng dân chủ, củng cố, phát triển lý luận, hiến kế xây dựng chủ trương, đường lối lãnh đạo. Để phản biện thực sự trở thành động lực, nhân tố thúc đẩy phát triển, tránh để các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, thì mọi ý kiến phản biện đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, mang tinh thần xây dựng. Việc tiếp thu, ứng xử với các ý kiến phản biện trong môi trường công nghệ số của tổ chức đảng các cấp phải thể hiện tính khoa học, xứng tầm…
* Tạo môi trường cho phản biện xã hội
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới. Trước đó, tư duy đổi mới, tinh thần đổi mới và các mô hình của công cuộc đổi mới đã hình thành và khẳng định tính hiệu quả từ thực tiễn. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thời điểm trước Đại hội VI là Bí thư Thành ủy TP.HCM) là một trong những “kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới. Ngay từ những năm đầu của thập niên 1980, sau khi hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước của chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Nghèo đói, lạc hậu, nhất là tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, diễn ra dai dẳng, cam go. Trong bối cảnh đó, với vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, TP.HCM đã có những bước đi sáng tạo, áp dụng thí điểm sản xuất kinh doanh theo kinh tế thị trường. Bước đột phá quan trọng này một phần xuất phát từ các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà quản lý, nhất là trong giới doanh nghiệp. Việc kinh doanh có lãi từ những mô hình thí điểm ở nhiều công ty, xí nghiệp chính là cơ sở thực tiễn sinh động để những người lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp và giới chuyên gia đề xuất ý kiến, phản biện lối tư duy quan liêu, bao cấp, giúp lãnh đạo thành phố và Trung ương tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận, tổng kết, dự báo thực tiễn để đi đến những quyết sách quan trọng ở tầm vĩ mô.
Một trong những vấn đề mấu chốt của đại hội đảng bộ các cấp lần này là báo cáo chính trị phải xác định đúng và trúng các khâu đột phá, lãnh đạo khắc phục những tồn tại, yếu kém để hoàn thành các mục tiêu, nội dung trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Để có sự đột phá hiệu quả, đòi hỏi nội hàm của nó phải hội tụ những tư duy mới, phát kiến, sáng kiến mới. Đây chính là môi trường để phát huy phản biện xã hội, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên… |
Nhắc lại lịch sử để thấy, phản biện là một phần tất yếu của động lực, xu thế phát triển. Nếu không có những góp ý, phản biện có tâm, mang tầm thời đại trong những giai đoạn lịch sử, thì chúng ta khó có thể tạo nên những bước đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển. Trong các văn kiện qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn chú trọng, coi trọng yếu tố phản biện xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Thực tiễn chứng minh, muốn phản biện hiệu quả, trước hết người có ý kiến phản biện phải có đầy đủ căn cứ lý luận, kiến thức chuyên môn và sự trải nghiệm thực tiễn đối với vấn đề, lĩnh vực mình nêu ra. Tư duy phản biện là một quá trình biện chứng, bao gồm phân tích và đánh giá thông tin theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, thuyết phục và công tâm. Trong thời đại số, với sự can thiệp, ứng dụng mạnh mẽ và toàn diện công nghệ thông minh vào các lĩnh vực đời sống xã hội, môi trường của phản biện xã hội ngày càng cởi mở, thông thoáng, tiện lợi. Bầu không khí dân chủ, tự do ngôn luận giúp cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị của đất nước có được những “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới, với tinh thần toàn dân lo việc nước, toàn dân bàn việc Đảng. Đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, môi trường phản biện xã hội giúp cho đại hội đảng các cấp tận dụng trí tuệ tập thể, góp ý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng báo cáo chính trị, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp lãnh đạo nhiệm kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cách làm và hiệu quả của Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.HCM là một dẫn chứng điển hình. Toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến đến từng đảng viên các chi bộ. Thành ủy TP.HCM đã triển khai đồng bộ các kênh thông tin và cơ chế tiếp thu, xử lý các ý kiến góp ý, phản biện. Đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt ý kiến góp ý, phản biện đối với các vấn đề thuộc chương trình hành động, đột phá, nhất là giải quyết những tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông, môi trường, dân sinh, xây dựng đô thị thông minh…
* Nhất quán phản biện là để thống nhất, xây dựng
Theo các nhà nghiên cứu: Phản biện xã hội là sự phản ánh chính kiến của xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật do hệ thống lãnh đạo, quản lý đề ra, thể hiện qua những nhận xét, đánh giá, phân tích có căn cứ và có sức thuyết phục, được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chủ thể phản biện; có chức năng chuyển tải nhu cầu, nguyện vọng của xã hội đến hệ thống lãnh đạo và quản lý; có tác dụng thúc đẩy nền dân chủ xã hội và củng cố thể chế xã hội. Hình thức phản biện xã hội tùy thuộc vào truyền thống văn hóa chính trị, trình độ tổ chức dân chủ của từng nơi, từng thời kỳ lịch sử.
Như vậy, mục đích cao nhất và duy nhất của phản biện xã hội chính là xây dựng. Tuy nhiên, môi trường phản biện càng dân chủ, cởi mở thì hoạt động chống phá của các thế lực thù địch càng tinh vi. Lợi dụng phản biện để kích động, chống phá Đảng, phỉ báng lãnh tụ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… là những chiêu bài quen thuộc của các thế lực thù địch, với hình thức ngày càng tinh vi. Góp ý, phản biện là quyền dân chủ của toàn dân. Hoạt động phản biện càng cởi mở thì tính dân chủ càng cao. Chính vì thế, việc tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến phản biện ở tổ chức đảng các cấp, nhất là trong quá trình chuẩn bị đại hội và tiến hành đại hội, đòi hỏi phải hết sức tỉnh táo, thận trọng, ứng xử xứng tầm. Chúng ta cần tránh cả hai khuynh hướng. Thứ nhất là tư tưởng “cầu an”, “cầu toàn”, biểu hiện “mũ ni che tai”, né tránh phản biện, không dám tiếp thu ý kiến phản biện vì sợ liên lụy, sợ trách nhiệm, sợ mất phiếu bầu. Điều này vô hình trung bỏ qua, coi nhẹ những ý kiến tâm huyết, có giá trị từ môi trường phản biện xã hội. Thứ hai là sự hiếu thắng, muốn đột phá, thay đổi nhanh chóng bằng mọi giá dẫn đến nóng vội, thiếu thận trọng, tạo kẽ hở cho các tư tưởng thù địch, chống phá len lỏi vào nội bộ đảng. Đây chính là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là đối với một bộ phận cán bộ trẻ, có nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh.
Cách làm của BCH Đảng bộ TP.HCM là thành lập các tổ chuyên môn, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, ứng dụng triệt để công nghệ thông minh nhằm tiếp thu, phân loại các ý kiến góp ý, phản biện theo từng lĩnh vực, từng cấp độ để có phương pháp xử lý xứng tầm, đúng và trúng.
Từ nay đến Đại hội XIII của Đảng, môi trường phản biện xã hội sẽ tiếp tục mở rộng, đi vào chiều sâu. Thông qua truyền thông và mạng xã hội, tinh thần dân chủ trong tham gia góp ý, phản biện xã hội sẽ diễn ra sôi nổi. Không chỉ cấp ủy các cấp và các cơ quan chức năng giúp việc cho BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, việc tiếp thu, ứng xử với các quan điểm, ý kiến phản biện trong đời sống xã hội và môi trường truyền thông của mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần được thể hiện đúng mức, xứng tầm. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần, quán triệt sâu sắc quan điểm, phản biện là để đi đến thống nhất tư tưởng và hành động vì mục tiêu xây dựng và phát triển. Những ý kiến, hành vi đi ngược lại đường lối của Đảng, đi ngược lại lợi ích dân tộc và toàn dân đều là những thứ ngụy phản biện, núp bóng, lợi dụng môi trường dân chủ để “ký sinh” tư tưởng chống đối. Đây là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết phủ nhận hành vi lợi dụng phản biện xã hội để chống phá, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Theo qdnd.vn