Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân đồng tình ''khai tử'' dịch vụ đòi nợ thuê

08:06, 21/06/2020

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vừa thông qua việc đưa hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật Đầu tư (sửa đổi). Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân...

Tin nhắn có nội dung hăm dọa do đối tượng đòi nợ thuê gửi cho chị T.B.H. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành)
Tin nhắn có nội dung hăm dọa do đối tượng đòi nợ thuê gửi cho chị T.B.H. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành)

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua việc đưa hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật Đầu tư (sửa đổi). Như vậy, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị “khai tử” khi Luật Đầu tư (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế dịch vụ đòi nợ thuê trong thời gian qua có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh, thậm chí mang màu sắc “xã hội đen”  gây bức xúc trong xã hội.

* Bỏ cấp phép cho dịch vụ đòi nợ thuê là phù hợp

Ông Trần Quang Đạt (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cho biết, đọc thông tin từ các cơ quan truyền thông, ông rất đồng tình với ý kiến phân tích của các đại biểu Quốc hội về việc nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Theo ông Đạt, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất sát sườn với thực tế hiện nay khi cho rằng hình thức đòi nợ thuê đang bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ; cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, gây mất an ninh trật tự dẫn tới nhiều hệ lụy đối với xã hội.

Từng là nạn nhân của một công ty tài chính chuyên đi đòi nợ thuê, chị T.B.H. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) bức xúc kể, trước đây chị có mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng thương mại. Trong quá trình sử dụng thẻ, tài khoản của chị bị mất cắp một khoản tiền nên phát sinh nợ với ngân hàng. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, phía ngân hàng đã đưa tên chị vào danh sách nợ xấu và chuyển cho bên dịch vụ đòi nợ thuê.

 Từ đó, chị H. liên tục bị một số đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần bằng hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn hăm dọa và đăng tải thông tin bôi nhọ danh dự của chị trên mạng xã hội. Thậm chí chồng, con, bạn bè, bố mẹ chồng của chị H. cũng bị các đối tượng đòi nợ thuê làm phiền với những lời nhắn khiếm nhã. Mãi đến khi chị H. gửi đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp thì mới được yên ổn.

“Giờ nhớ đến khoảng thời gian bị đòi nợ mà tôi thấy còn hãi hùng. Họ hành xử theo kiểu xã hội đen thật đáng sợ. Tôi ủng hộ “khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê và mong muốn sẽ không có ai bị rơi vào hoàn cảnh như mình” - chị H. nói.

Một nhà dân tại TP.Biên Hòa bị các đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn, phá nhà đe dọa (Ảnh TL: T.Tâm)
Một nhà dân tại TP.Biên Hòa bị các đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn, phá nhà đe dọa (Ảnh TL: T.Tâm)

Không chỉ nhắn tin trên điện thoại hoặc đăng trên mạng xã hội hù dọa, chửi bới con nợ, nhiều đối tượng đòi nợ thuê còn “khủng bố” con nợ bằng các hành động như: tạt mắm tôm, nước bẩn, sơn vào nhà gây bức xúc dư luận và khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý.

Ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật

Nhiều ý kiến người dân bày tỏ sự  đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đòi nợ thuê. Qua đó cho thấy nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê… Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, “khủng bố” tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng cho thấy loại hình này không có sự đóng góp vào ngân sách, không đóng góp nhiều cho xã hội.

Anh Nguyễn Phi Long (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, nếu dịch vụ đòi nợ thuê tiếp tục hoạt động và phát triển không chỉ gây hoang mang xã hội mà còn gây mất niềm tin của người dân với lực lượng quản lý xã hội. Do vậy, việc đưa hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật Đầu tư (sửa đổi) là đúng đắn và rất hợp lòng dân.

 “Cấm dịch vụ đòi nợ thuê là đúng, tôi hoàn toàn ủng hộ. Việc giải quyết đòi nợ đã có công cụ pháp lý của Nhà nước. Các ngân hàng đều dùng công cụ pháp lý để đòi nợ được thì không có lý do gì mà không cấm dịch vụ đòi nợ thuê cả” - ông Trần Văn Thuận (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Còn bà Đoàn Thị Ánh Tuyết (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay nhiều công ty luật, văn phòng luật cũng thực hiện dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật là khởi kiện ra tòa. Để hướng người dân sử dụng hình thức giải quyết thu nợ lành mạnh và văn minh không cần nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê thì cơ quan chức năng cần cải cách thủ tục hành chính cũng như các bất cập trong lĩnh vực tòa án, thi hành án để việc xử lý nợ, thu hồi nợ nhanh hơn, tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều