Vừa qua, một cháu bé 5 tuổi tại H.Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) tử vong do bị một nam sinh bắt cóc đưa đến gần ngôi nhà hoang trong rừng trói tay bỏ lại để thực hiện theo trò game bắt cóc, giải cứu trên internet khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Vừa qua, một cháu bé 5 tuổi tại H.Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) tử vong do bị một nam sinh bắt cóc đưa đến gần ngôi nhà hoang trong rừng trói tay bỏ lại để thực hiện theo trò game bắt cóc, giải cứu trên internet khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Một trò chơi có tình tiết bạo lực dán nhãn 17+ nhưng trẻ em cũng có thể dễ dàng tải và chơi mà không gặp rào cản nào. Ảnh minh họa: Đăng Tùng |
Sự việc một lần nữa cho thấy hậu quả của game online (trực tuyến) và offline (ngoại tuyến), nhất là game có tình tiết bạo lực rất khó lường. Tại Đồng Nai cũng từng xảy ra nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến mê game bạo lực. Nổi lên là các vụ: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
* Dễ tải, dễ chơi, dễ bắt chước
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện nay, game có tình tiết bạo lực xuất hiện trên cả môi trường online và offline dưới nhiều cách chơi và chủ yếu là dùng máy tính, máy chơi game cầm tay và điện thoại thông minh. Trong đó, game trên điện thoại thông minh là dễ tiếp cận nhất.
Anh N.H.T.H. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) - một game thủ đã có kinh nghiệm hơn 15 năm chơi game cho hay, trước đây, các game online phải phụ thuộc nhiều vào đường truyền internet tốc độ cao ở các dịch vụ bên ngoài hoặc một số gia đình có điều kiện kéo cáp quang. Bây giờ, mạng 4G phát triển nhanh chóng và việc tải các game từ kho ứng dụng trên các điện thoại thông minh rất dễ, phí không cao, thậm chí miễn phí khiến những em nhỏ học tiểu học đã có thể tự tải. Chính vì vậy, nhiều học sinh hiện nay sau giờ học thay vì rủ nhau ra dịch vụ internet chơi dễ bị phát hiện thì các em tập trung ngồi tại các quán trà sữa, cà phê rồi cùng chơi online trên điện thoại thông minh
Bên cạnh đó, tất cả các game online khi đăng nhập, tạo nhân vật chơi đều hiện lên những quy định, buộc người chơi phải cam kết độ tuổi và tuân theo các điều khoản. Riêng với game offline đã có các nhãn dán, con dấu cảnh báo độ tuổi phù hợp với game kèm theo những nhắc nhở tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trẻ em, trẻ vị thành niên chơi các game quá độ tuổi, có tình tiết bạo lực trên điện thoại thông minh là điều khó kiểm soát vì chỉ cần nhấn vào ô: “Tôi đồng ý với các điều khoản trên” là lập tức có thể chơi game.
Một trong những hậu quả của việc mê game, nhất là game bạo lực, dễ dẫn đến bị kích động, khó kiểm soát được hành vi. Chính vì vậy, trong thời gian qua không ít thanh, thiếu niên rơi vào vòng lao lý vì mê game bạo lực.
Cụ thể như, chỉ vì mê game bạo lực, vào tối 7-2, L.V.P. (17 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) sẵn sàng nghe theo lời rủ của bạn bè quen qua internet để tham gia đánh nhau tại khu vực Phòng khám Y Đức (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Với hung khí như: gậy gộc, gạch đá, tuýp sắt..., nhóm của L.V.P. với trên 40 người đã rượt đuổi, tìm đánh nhóm khác thì bị công an truy bắt, xử lý. Là một trong 7 bị can bị Viện KSND TP.Biên Hòa truy tố về tội gây rối trật tự công cộng (theo Điểm b, Khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015), P. có khả năng bị xử phạt mức án từ 2-7 năm tù.
Cách đây 5 năm, tại Đồng Nai cũng xảy ra một vụ án giết người, cướp tài sản vì mê game gây chấn động dư luận. Thủ phạm Lê Đức Quyền (thời điểm đó 26 tuổi, ngụ tại H.Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) bị TAND tỉnh tuyên án tử hình về tội giết người, 8 năm tù tội cướp tài sản, tổng mức hình phạt là tử hình. Vào ngày 12-3-2015, do chơi game hết tiền nên Quyền đã ra tay sát hại anh Nguyễn Duy Tiến (31 tuổi, ngụ tại H.Cẩm Mỹ) để cướp xe máy, 5 triệu đồng, 2 điện thoại di động...
* Cần vai trò quan trọng của phụ huynh
Hiện pháp luật đã có một số quy định trong quản lý các hoạt động liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ game hoặc chơi game. Cụ thể, tại Điều 106, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 15) ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định, phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký không đúng thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi điện tử G1. Phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Nghị định 15 cũng quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia; mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng. Đây là một trong những quy định nhằm hạn chế việc người chơi mua, bán vật phẩm, tài khoản, dẫn tới việc thực hiện các hành vi phạm pháp để có tiền nâng cấp tài khoản.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, những thanh, thiếu niên nghiện game bạo lực thường rất dễ bị kích động. Họ dễ dàng nghe theo lời rủ rê tham gia các vụ đánh nhau, đua xe trái phép hoặc hẹn hò, dụ dỗ quan hệ tình dục... Đây là điều cần cảnh báo đến các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con em mình tránh xa các trò game độc hại, bạo lực, kích động.
Theo TS Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM, để phòng ngừa trẻ nghiện trò chơi trực tuyến, trong đó có game bạo lực, cần quan tâm 3 vấn đề. Một là cần giúp cho trẻ em có đời sống tinh thần khỏe mạnh và tích cực; hai là cần xây dựng cho trẻ những hoạt động thực tế tích cực trong cuộc sống; ba là nhà trường và cha mẹ cần xây dựng cho trẻ những kỹ năng cảm xúc xã hội tốt.
TS Lê Minh Công phân tích thêm: “Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ không bộc lộ được cái tôi hoặc bị bắt nạt sẽ khiến trẻ không kết nối được với bạn bè một cách tích cực; từ đó trẻ sẽ dần tự ti và tìm tới các game online để đạt tới một đẳng cấp, vị thế cao, đó là những thứ mà ngoài đời thực trẻ không có được. Nếu trẻ có kỹ năng, năng lực cảm xúc xã hội tốt thì sẽ cân bằng hơn với những vấn đề cuộc sống và không sa đà vào các game online”.
Minh Thành - Diễm Quỳnh