Việc chơi hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi) hiện khá phổ biến và đã được pháp luật bảo hộ. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia chơi hụi nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự.
Việc chơi hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi) hiện khá phổ biến và đã được pháp luật bảo hộ. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia chơi hụi nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự.
Hàng trăm công nhân của một công ty ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) lao đao vì bị giật hụi. Ảnh: Khắc Thiết |
[links()]Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ vỡ hụi lên đến hàng tỷ đồng khiến không ít người lao đao, trong đó có nhiều người là công nhân dành dụm tiền lương để mong tiết kiệm lo cho con cái học hành. Một trong những điểm chung của các vụ vỡ hụi này là những người chơi hụi chủ yếu tin nhau là chính, không có bất kỳ xác nhận nào về pháp lý nên khi sự việc vỡ lở, họ không có cơ sở nào để khiếu nại hoặc kiện chủ hụi ra tòa.
* Người chơi hụi còn chủ quan
Chỉ trong tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ giật hụi lớn. Cụ thể như vụ chủ hụi V.O.L.H. (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) giật hụi của hàng trăm công nhân với số tiền lên đến trên 2,6 tỷ đồng. Nhiều công nhân không có cơ sở khởi kiện bà H. vì họ không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh việc tổ chức chơi hụi. Họ chỉ có mẫu giấy do chủ hụi ghi số tiền đóng hằng tháng và tổng số tiền nhân lên theo kỳ giữa chủ hụi và người chơi hụi.
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Người chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chủ hụi có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi. |
Tương tự như vụ chủ hụi N.T.M. (ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) cũng giật hụi và vay tiền của người chơi hụi lên đến 6 tỷ đồng. Chủ hụi M. và các hụi viên khi tổ chức các dây hụi đều không đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định, đến khi bà M. bỏ trốn khỏi địa phương, người dân đến tố cáo thì chính quyền địa phương mới biết.
Một công chức tư pháp - hộ tịch ở H.Nhơn Trạch cho biết, dù chính quyền địa phương, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền Nghị định 19/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 19) ngày 19-2-2019 về họ, hụi, biêu, phường nhưng thực tế rất hiếm việc người dân khi tổ chức chơi hụi thực hiện theo Nghị định 19 là phải đăng ký với UBND xã, phường. Vì không thực hiện theo đúng quy định pháp luật nên khi xảy ra tranh chấp, bị giật hụi thì chính quyền khó có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đầy đủ, kịp thời, thỏa đáng.
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, Nghị định 19 quy định, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.
“Nội dung văn bản thông báo phải thể hiện rõ: họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân, sổ hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; tổng số thành viên. Chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo việc tổ chức dây hụi có trị giá trên 100 triệu đồng hoặc từ 2 dây hụi trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật” - luật sư Định nhấn mạnh.
* Phải hiểu rõ quyền của các bên khi chơi hụi
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho hay, để hạn chế bị giật tiền khi chơi hụi, người chơi hụi phải hiểu rõ về quyền, trách nhiệm của các bên khi tổ chức dây hụi. Cụ thể như thành viên trong hụi không có lãi có các quyền như : góp một hoặc nhiều phần hụi trong một kỳ mở hụi; lĩnh hụi; chuyển giao một phần hoặc toàn bộ phần hụi cho người khác theo quy định tại Bộ luật Dân sự; yêu cầu chủ hụi hoặc người giữ sổ hụi cho xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi; yêu cầu chủ hụi trả phần hụi của thành viên không góp phần hụi đúng hạn...
“Quyền của thành viên trong hụi có lãi (chưa ăn hụi) thì có các quyền như thành viên đã ăn hụi và thêm các quyền khác như: đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở hụi (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Nghị định 19); được lĩnh hụi trước các thành viên khác nếu đưa ra mức lãi cao nhất tại kỳ mở hụi (trừ trường hợp có thỏa thuận khác); hưởng lãi từ thành viên lĩnh hụi” - ông Vinh hướng dẫn.
Riêng về trách nhiệm pháp lý của các chủ hụi và thành viên, ông Vinh phân tích, khi chủ hụi do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh thì chủ hụi có trách nhiệm như sau: thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 18 của Nghị định 19; trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi; chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trong trường hợp đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì thành viên đó có trách nhiệm đối với chủ hụi như sau: hoàn trả số tiền mà chủ họ đã góp thay cho thành viên; trả lãi đối với số tiền chậm góp họ theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 19; chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; bồi thường thiệt hại (nếu có).
Đoàn Phú