Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành vi tận diệt chim, cá: Quy định đã có nhưng vẫn khó xử lý

09:05, 15/05/2020

Hành vi dùng xiệt điện, thuốc nổ, thuốc hóa học... đánh, bẫy cá, chim tự nhiên bị pháp luật nghiêm cấm nhằm ngăn chặn tận diệt "chim trời, cá nước", bảo vệ môi trường sống của các loài động vật trong tự nhiên . Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp vi phạm.

Hành vi dùng xiệt điện, thuốc nổ, thuốc hóa học... đánh, bẫy cá, chim tự nhiên bị pháp luật nghiêm cấm nhằm ngăn chặn tận diệt “chim trời, cá nước”, bảo vệ môi trường sống của các loài động vật trong tự nhiên . Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp vi phạm.

Một trường hợp đánh bắt cá trên sông Đồng Nai có sử dụng xung điện. Ảnh: Đ.Phú
Một trường hợp đánh bắt cá trên sông Đồng Nai có sử dụng xung điện. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh bày tỏ, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm mà có mức xử phạt phù hợp đối với hành vi đánh, bẫy chim, cá tự nhiên theo hình thức tận diệt. Hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính từ 3-50 triệu đồng và bị tịch thu tang vật vi phạm; thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

* Nhiều kiểu bẫy, bắt tinh vi

Các ao hồ, kênh rạch, sông ngòi, ruộng đồng... trên địa bàn tỉnh hiện là nguồn sống của không ít ngư dân, người chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, chim tự nhiên. Dù pháp luật không ngăn cấm người dân đánh, bẫy chim, cá tự nhiên (loại không nằm trong danh mục cấm, hạn chế đánh bắt) nhưng cũng quy định rất rõ việc cho phép bẫy, bắt này phải đúng pháp luật, không được dùng các phương pháp đánh bắt hủy diệt môi trường sống của chúng và những loài quý hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn.

Vốn là người hành nghề đánh bắt thủy sản lâu năm trên sông Đồng Nai, ngư dân Hai Khẳng (làng bè Long Bình Tân, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bày tỏ bức xúc trước hiện tượng một vài người dân dùng thuốc trừ sâu thả xuống sông để tôm, cá ngộp cho dễ đánh bắt. Với cách làm này không chỉ gây hủy diệt môi trường sống của các loại cá, tôm tự nhiên mà còn dễ gây ngộ độc cho người sử dụng cá, tôm do những người này đánh bắt được.

Còn ngư dân Hữu Nghĩa (chuyên về bắt cá trên các cánh đồng, kênh rạch xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) thì phân trần, cách đánh bắt truyền thống như ông không cạnh tranh được với những người chuyên dùng xiệt điện để chích cá, tôm, lươn... “Dùng điện chích vừa nhanh, hiệu quả buộc những con tôm, cá, lươn to nhỏ trốn kỹ trong hốc cây, hang cũng phải ngoi ra. Đó là kiểu đánh bắt ăn ngay, tàn phá môi trường sống của các loài thủy sản nên tôm, cá, lươn ngày càng ít là vậy” - ông Nghĩa nói.

Những bãi đá, vùng nước chảy xiết đoạn sông Đồng Nai khu vực xã Trị An (H.Vĩnh Cửu) thời gian qua đã nuôi sống hàng chục ngư dân trong và ngoài xã. Tuy nhiên, nghề chài lưới, lặn soi cá truyền thống của họ nhiều năm nay bị nhóm ngư dân chuyên về xiệt điện, dùng thuốc hóa học “cạnh tranh”. Nhóm người này vẫn lén lút hoạt động đánh bắt cá về đêm.

Cánh đồng Thọ Lâm 3, xã Phú Bình (H.Tân Phú) và các cánh đồng lân cận, chiều về văng vẳng tiếng kêu của các loại chim trời như: quốc, chằng nghịch, gà nước... phát ra từ loa của máy phát tiếng chim. Ông T.T. (ngụ xã Phú Bình) cho biết, cách bẫy, bắt chim đồng theo kiểu truyền thống giờ không còn hiệu quả nên người ta phải dùng máy giả tiếng kêu của chúng và lưới “tàng hình” để dụ. Vì vậy, chim trời ở những cánh đồng này cũng không còn nhiều như trước.

* Khó khăn trong xử lý vi phạm

Luật sư Lưu Hồng Khanh cho hay, Điều 28, Nghị định 42/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản quy định về việc sử dụng điện để khai thác thủy sản như sau: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Mức phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Đặc biệt, nghị định còn quy định mức phạt tiền từ 15-50 triệu đồng đối với  hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản có công suất lớn; đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài bị xử phạt hành chính, đối với hành vi dùng xiệt điện, thuốc nổ, thuốc hóa học... đánh, bẫy cá, chim tự nhiên còn bị xử lý hình sự. Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết thêm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có 2 điều luật quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Đó là Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Những pháp nhân, cá nhân vi phạm 2 điều luật này, có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 12 năm.

Cũng theo ông Vinh, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP  ngày 5-11-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 được hiểu như sau: sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn, bắt bị cấm là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt.

Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt đối với các hành vi dùng xiệt điện, thuốc nổ, thuốc hóa học... đánh, bẫy cá, chim tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Một công an viên của xã Trị An (H.Vĩnh Cửu) cho hay, rất khó để truy bắt những người đánh bắt cá, tôm kiểu tận diệt vì họ thường hoạt động lén lút vào ban đêm và sẵn sàng phi tang hoặc bỏ các tang vật khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Ngay cả các ngư dân làm nghề chân chính cũng ngại tố cáo, phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng này.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều