Việc chung sống không đăng ký kết hôn kéo theo nhiều hệ lụy, dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, trong đó có cả tranh chấp việc lo... hậu sự. Chẳng hạn như trường hợp của bà N.D. (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).
Việc chung sống không đăng ký kết hôn kéo theo nhiều hệ lụy, dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, trong đó có cả tranh chấp việc lo... hậu sự. Chẳng hạn như trường hợp của bà N.D. (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).
Bà N.D. chung sống với ông B.T. (không đăng ký kết hôn) được 10 năm và có 1 con chung 9 tuổi. Riêng bà L.K. (quê tỉnh Bình Dương) chung sống như vợ chồng với ông T. (từ năm 1980, không đăng ký kết hôn) và có 3 người con chung nhưng cả 2 không ở cùng với nhau từ năm 2010. Sau đó, ông T. mới đến sống với bà D.
Hiện tại ông T. lâm bệnh nặng nên bà K. và các con muốn đưa ông T. về tỉnh Bình Dương lo hậu sự khi ông qua đời. Trong khi đó, khi ông T. bệnh, một tay bà D. chăm sóc nên bà mong muốn tự tay lo hậu sự cho ông cho trọn nghĩa, vẹn tình.
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, theo Luận Hôn nhân và gia đình năm 2014, với trường hợp nam và nữ mặc dù không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn nhưng lại sống chung với nhau như vợ chồng từ thời điểm trước ngày 3-1-1987 thì quan hệ của họ vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng ngay từ thời điểm họ chung sống với nhau. Do đó, trường hợp sống chung như vợ chồng giữa bà K. với ông T. từ năm 1980-2010 được xem là hôn nhân hợp pháp.
Riêng đối với những trường hợp quan hệ sống chung như vợ chồng của nam nữ bắt đầu từ thời điểm ngày 1-1-2001 đến nay mà không có đăng ký kết hôn thì đều không được pháp luật công nhận. Do đó, việc chung sống giữa ông T. với bà D. không được pháp luật công nhận. Mặt khác, ông T. và bà K. đều chưa làm thủ tục ly hôn nên họ vẫn là vợ chồng. Việc sống chung giữa ông T. và bà D. là trái với pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Luật sư Nguyễn Đức cho rằng, tình cảnh của bà D. quả thật éo le, do bà D. và bà K. tranh chấp nhau quyền được lo hậu sự cho ông T. khi ông mất là sự tranh chấp về mặt tình cảm, quyền được lo hậu sự cho người đã khuất chứ không phải về vật chất, tài sản. Do đó, tốt nhất các bên nên thỏa thuận với nhau sao cho hài hòa, đúng đạo nghĩa, tập quán.
“Hiện tại, bà K. vẫn là vợ của ông T. nên bà K. và các con có quyền đưa ông về lo hậu sự khi ông qua đời. Trong trường hợp ông K. lập di nguyện để lại mong muốn khi ông mất sẽ giao cho bà D. được quyền lo hậu sự thì mẹ con bà K. cũng cần xem xét để thực hiện theo ý nguyện của ông T. Tuy nhiên, di nguyện này cần phải lập hợp pháp (có công chứng, chứng thực)” - luật sư Nguyễn Đức cho biết.
Diễm Quỳnh