Việc chủ vườn cây ăn trái cho người khác thuê vườn để khai thác sản phẩm cây trồng theo mùa vụ hiện khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hình thức này giúp nhiều nông dân không có đất sản xuất nhưng có kinh nghiệm chăm sóc cây ăn trái có việc làm, nâng cao thu nhập.
Việc chủ vườn cây ăn trái cho người khác thuê vườn để khai thác sản phẩm cây trồng theo mùa vụ hiện khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hình thức này giúp nhiều nông dân không có đất sản xuất nhưng có kinh nghiệm chăm sóc cây ăn trái có việc làm, nâng cao thu nhập.
Nhiều nông dân quê ở các tỉnh miền Tây về xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) thuê vườn cây của người dân địa phương để lập nghiệp. Ảnh minh họa: Đ.Phú |
Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, hình thức này được nông dân gọi là mua, bán “trái non”, giữa người cho thuê và người thuê đều có lợi. Tuy nhiên, nếu việc giao kết cho thuê vườn chỉ bằng miệng, giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực sẽ dẫn tới rất nhiều rủi ro khi đôi bên phát sinh tranh chấp.
* Dễ “chạy... làng”
Vốn là dân miền Tây giàu kinh nghiệm trong chăm sóc cây ăn trái, ông Năm Có (quê tỉnh Tiền Giang) về xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) thuê 1ha vườn cam (3 năm tuổi) của một nông dân địa phương chăm sóc và thu hoạch trong 3 năm với giá 100 triệu đồng/năm. Lứa cam đầu tiên ông lãi được 70 triệu đồng, lứa thứ 2 do cây trồng bị dịch bệnh và cam dội chợ nên ông lỗ 10 triệu đồng (không tính tiền công). Do đôi bên giao kết hợp đồng thuê vườn bằng miệng nên ông Năm Có gặp chủ vườn đề nghị nếu bớt tiền thuê còn 50 triệu đồng/năm thì ông sẽ tiếp tục thuê, ngược lại thì trả vườn trước thời hạn.
Trước đề nghị của ông Năm Có, chủ vườn cho rằng, khi giao kết hai bên đã thỏa thuận tiền thuê vườn là 100 triệu đồng/năm. Ông Năm Có đồng ý thuê thì cứ vậy mà thực hiện. Chuyện vườn cam bị bệnh, giá cam hạ là do lỗi người thuê và thị trường chứ không phải do chủ vườn. Biết không thể thương lượng được với ông chủ vườn khó tính, ông Năm Có nhờ luật sư tư vấn để gỡ thế bí cho mình.
Hay như trường hợp của nông dân Sáu Trừ (quê tỉnh Bến Tre) về xã La Ngà (H.Định Quán) thuê 2ha xoài của ông Hai Lẹ (xã Ngọc Định, H.Định Quán) trong 4 năm với giá 120 triệu đồng/năm. Do xoài liên tục bị mất mùa và hạn hán, ông Sáu Trừ vì thua lỗ nên “lẳng lặng” bỏ về quê. Ông Hai Lẹ bức xúc nói: “Vì tin tưởng nhau, tôi cho ông ấy thuê vườn xoài trong 4 năm và đôi bên chỉ giao kết bằng hợp đồng viết tay, chứ không có ra UBND xã chứng thực. Vậy tôi có quyền kiện ông Sáu Trừ được không?”.
Về những thắc mắc này, luật sư Nguyễn Đức cho biết, trường hợp giao kết hợp đồng thể hiện bằng lời nói (miệng) hoặc giấy viết tay (văn bản) không có công chứng, chứng thực đối với việc cho thuê vườn (dân gian gọi là mua, bán “lúa non”, “xoài lá”) rất phổ biến trong nông dân. Dù hình thức hợp đồng chỉ giao kết bằng miệng nhưng được đôi bên thừa nhận và không trái với đạo đức xã hội, pháp luật thì vẫn xem là hợp lệ và được pháp luật dân sự bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
Do đó, trong trường hợp ông Hai Lẹ có đầy đủ cơ sở pháp lý kiện ông Sáu Trừ ra tòa án nơi ông Sáu Trừ cư trú để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, để việc thưa kiện thuận lợi, ông Hai Lẹ phải đưa ra được cơ sở chứng cứ mà ông Sáu Trừ vi phạm hợp đồng như: nhân chứng chứng kiến việc hai bên giao dịch; giấy tờ giao, nhận tiền; ghi âm lời giao dịch...
Tương tự, trong trường hợp của ông Năm Có cũng có quyền yêu cầu UBND xã can thiệp hoặc tòa án giải quyết để được bảo vệ quyền lợi do cây xoài bị dịch bệnh, hạn hán, mất mùa, mất giá và hai bên không thỏa thuận hay thương lượng được cách giải quyết.
* Tránh rủi ro
Luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh, rắc rối phổ biến trong các tranh chấp về hợp đồng miệng là chứng cứ chứng minh. Vì vậy, các bên đương sự khi thỏa thuận giao dịch miệng cần có người làm chứng, các biên nhận giao nhận tài sản (nếu có) cần ghi rõ chi tiết; ghi âm, ghi hình giao dịch.
“Người nông dân không nên giao dịch thỏa thuận bằng miệng, tốt hơn hết cần tập thói quen ký kết hợp đồng bằng văn bản và văn bản này được công chứng, chứng thực càng tốt. Bởi với giao dịch bằng miệng, khi xảy ra tranh chấp thì mạnh ai nấy nói, miễn sao có lợi cho mình” - luật sư Nguyễn Đức nói .
Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh lưu ý, khi nông dân giao kết hợp đồng bằng hình thức văn bản cũng cần chú ý đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong hợp đồng phải mạch lạc, rõ ràng, tránh những từ mang nghĩa “bóng”, hàm ý, dễ hiểu lầm, hiểu sai hoặc các từ viết sai chính tả dẫn đến sai nghĩa. Hơn hết, các bên nên đọc, soạn thảo kỹ lưỡng từng câu, từng chữ trong hợp đồng để có thể phát hiện sớm những rủi ro tiềm ẩn. Người ký hợp đồng phải đủ năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền giao dịch.
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, không phải nông dân nào cũng am hiểu đầy đủ, chính xác về giao kết hợp đồng; dự liệu các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng và các cơ chế để xử lý, khắc phục hậu quả; tránh đưa vào hợp đồng các điều khoản mơ hồ, gây nhầm lẫn. Do đó, khi giao kết hợp đồng với đối tác nông dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký hoặc nhờ người am hiểu pháp luật tư vấn, hỗ trợ.
Diễm Quỳnh