Theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại... thì mới bị xử lý hình sự.
Theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại... thì mới bị xử lý hình sự.
Nhiều người có tình cảm rất đặc biệt với thú cưng nên rất bức xúc khi bị mất trộm. Trong ảnh: Một người dân ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) chăm sóc chú chó cưng. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số trường hợp chủ nhà bị mất trộm thú cưng (chó, mèo, chim quý...), cây cảnh trị giá từ vài triệu đồng trở lên nhưng thủ phạm chỉ bị xử phạt hành chính.
* Xử lý phụ thuộc vào giám định tài sản
Ông N.P.T. (ngụ xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, ông mua một chú chó (giống Nhật Bản) nặng 20kg, giá 4 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục đưa chú chó này đi huấn luyện trong 2 tuần tốn thêm 3 triệu đồng nữa nhưng sau đó đã bị mất trộm. Ông T. nghe nói nếu bắt được thủ phạm thì đối tượng này cũng chỉ bị xử lý hành chính, không bị xử lý hình sự vì theo giá thị trường (tính theo ký), chú chó này chỉ có giá khoảng 500 ngàn đồng.
Lý giải về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, thực tế có sự “vênh” nhau rất lớn về giá trị tài sản theo quan điểm của người nuôi thú cưng, sở hữu chim quý và cây cảnh với hội đồng giám định tài sản trong vụ án trộm cắp tài sản là thú cưng, chim quý và cây cảnh.
“Nhiều người cho rằng, giá trị của thú cưng, chim quý và cây cảnh lên đến hàng triệu đồng nhưng nếu cơ quan định giá kết luận, giá trị của những tang vật này chỉ tương đương giá trị của chó, mèo, chim bình thường, cây tạp... nên giá trị thực chỉ dưới 2 triệu đồng. Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kẻ trộm là đúng pháp luật” - luật sư Nguyễn Đức phân tích.
Theo luật sư Nguyễn Đức, thực tế có không ít vụ trộm cắp tài sản dù phát hiện ra thủ phạm nhưng cơ quan công an không khởi tố vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, người vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích).
* Cần khách quan trong thẩm định tài sản
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) Lê Quang Vinh, một trong những bất cập hiện nay là việc định giá thú cưng, chim quý và cây cảnh bị trộm cắp phụ thuộc rất nhiều vào giá thị trường tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm nên không có mức giá cụ thể, chi tiết, có thể làm nguồn xác đáng để tham khảo. Trong khi đó, giá trị tài sản bị thiệt hại lại là căn cứ để xác định mức độ vi phạm và mức hình phạt tương ứng theo quy định pháp luật. Do đó, có trường hợp lấy trộm cây cảnh vẫn bị xử lý hình sự do cơ quan định giá kết luận tài sản bị mất trộm trị giá hơn 2 triệu đồng.
Cụ thể, TAND H.Định Quán vừa tuyên xử bị cáo N.V.T. (ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) 1 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Theo nội dung vụ án, bị cáo T. thấy cây mai của ông Đ.Q. (ngụ xã Phú Túc) trồng trong chậu, để trước sân đã lấy trộm và bán được 4 triệu đồng. Căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng thẩm định giá H.Định Quán, cây mai này trị giá 6 triệu đồng nên T. bị truy tố về tội trộm cắp tài sản.
Ông Vinh bày tỏ, ông rất đồng tình quan điểm của người dân, cần xử lý mạnh tay đối tượng trộm thú cưng, chim quý và cây cảnh có giá trị cao như trường hợp nêu trên. Bởi thú cưng, chim quý và cây cảnh ngoài giá trị tài sản còn mang giá trị tinh thần đặc biệt đối với chủ sở hữu. Tuy vậy, việc xử lý các vụ trộm tài sản là thú cưng, chim quý và cây cảnh cần khách quan trong công tác thẩm định giá tài sản và xem xét nhiều yếu tố khác theo luật định để tránh trường hợp xử lý với tội danh không tương xứng, dễ dẫn đến oan sai.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) Lê Quang Vinh cho biết, Khoản 1, Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trộm cắp tài sản của người khác có trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại... |
Đoàn Phú