Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải cho công nhân làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc. Nhiều người lao động quan tâm đến quyền lợi của họ có được đảm bảo trong thời gian nghỉ việc kéo dài do dịch bệnh.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải cho công nhân làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc. Nhiều người lao động quan tâm đến quyền lợi của họ có được đảm bảo trong thời gian nghỉ việc kéo dài do dịch bệnh.
Công nhân làm việc tại một công ty trên địa bàn P.Phước Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa |
* “Nghỉ phép” dài ngày
Sau thời gian ngày làm ngày nghỉ, kể từ ngày 16-3, chị Đ.T.N. (ngụ KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) được cho tạm nghỉ 1 tháng vì công ty không đảm bảo ổn định trong kinh doanh. Nguyên nhân do thời gian qua, mặt hàng thủ công mỹ nghệ của công ty chị làm ra không thể xuất khẩu đi các thị trường do dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, chị N. phải làm việc cầm chừng. Mỗi ngày chị và các công nhân khác về sớm hơn thường lệ 2 tiếng và không còn tăng ca. Thời gian rảnh rỗi nhiều nên chị có thể yên tâm chăm sóc con cái. Tuy nhiên, do lương, thưởng hằng tháng giảm đáng kể nên cuộc sống của gia đình chị khó khăn hơn.
“Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng mẹ con tôi sẽ về quê trước, để giảm được chi phí thuê nhà, đợi khi nào công ty hoạt động ổn định, học sinh đi học lại thì sẽ quay vào” - chị N. nói.
Chị L.N.H. (giáo viên của một trường mầm non tư thục ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bộc bạch, trẻ không đi học nhà trường không có nguồn thu nên hơn 2 tháng qua 40 giáo viên tạm thời “nghỉ phép” dài ngày. Phần lớn các giáo viên đã về quê chỉ có vài người nhà xa ở lại. Chị H. được nhà trường sắp xếp chỗ ở trong trường, không phải tốn tiền thuê nhà nên cũng bớt được nhiều khó khăn.
Theo chị H., kinh tế khó khăn nên nhà trường chỉ hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người. Dù số tiền này so với chi phí hiện tại không thể đáp ứng, nhưng cũng là nguồn hỗ trợ, chia sẻ với giáo viên. Chị và những giáo viên khác ai nấy đều rất nhớ nghề, chỉ mong dịch bệnh qua mau, mọi việc ổn định để học trò đi học lại.
Với nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ, ngành nghề kinh doanh dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn trong mùa dịch bệnh Covid-19. Khoảng 2 tháng trở lại đây, công việc chạy taxi của anh K.N.T. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị ảnh hưởng bởi lượng khách đi lại ít hẳn. Dù được công ty hỗ trợ một phần chi phí, nhưng so với mức lương trước đây, số tiền này chỉ đủ để trả tiền lãi mua xe hằng tháng cho ngân hàng.
“Trước những khó khăn do dịch bệnh, công ty cũng không còn khoán doanh thu như trước, song nếu tình trạng này kéo dài thì cả doanh nghiệp lẫn người làm thuê đều thất thu” - anh T. nói.
* Phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp giảm sút. Một số công ty cho nhân viên luân phiên với nhau lịch nghỉ phép và nghỉ bù vào những ngày nghỉ cuối tuần. Một số công ty cho công nhân làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc. Với những trường hợp này, nhiều người lao động lo lắng về quyền lợi của mình khi công ty hoạt động không hiệu quả.
Luật sư Trần Trọng Hiếu (Công ty Luật VNLAW GROUP, Đoàn Luật sư TP.HCM) lý giải, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Ngoài ra, theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì dịch bệnh là một trong những trường hợp bất khả kháng mà người sử dụng lao động được quyền cho người lao động thôi việc. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, các doanh nghiệp phải đảm bảo về thời gian báo trước cũng như các quyền lợi cho người lao động như: thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng; xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng các giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động; trợ cấp mất việc làm đối với những người đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên…
Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh cho biết thêm, trường hợp doanh nghiệp cho người lao động ngừng làm việc theo quy định tại Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động mà do nguyên nhân khách quan khác như: thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo luật sư Lê Văn Nhân, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người sử dụng lao động, nhưng khi chấm dứt doanh nghiệp phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật để tránh việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, người lao động cũng nên có trách nhiệm san sẻ với các công ty, doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thanh Hải