Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, hành vi ném đá vào xe ô-tô khi đang lưu thông trên đường đã gây hoang mang cho nhà xe và hành khách.
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, hành vi ném đá vào xe ô-tô khi đang lưu thông trên đường đã gây hoang mang cho nhà xe và hành khách.
Xe ô-tô khách khi lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) bị ném đá làm vỡ kính vào đêm 21-2. Ảnh: C.T.V |
Hành vi ném gạch, đá vào các phương tiện giao thông là vô cùng nguy hiểm. Hành động này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sự an toàn của người tham gia giao thông và có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
* Nguy cơ xảy ra tai nạn
Gần đây, tình trạng xe khách giường nằm bị ném đá trong đêm khi lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua các xã Xuân Hòa, Xuân Hưng của H.Xuân Lộc vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Tuy nhiên, chưa khi nào nhiều xe bị ném đá cùng lúc như trong đêm 21-2, rạng sáng 22-2 vừa qua. Nhiều xe bị đá làm vỡ kính, có xe vỡ hẳn kính buộc tài xế phải dùng băng keo dán lại.
Tài xế Huỳnh Minh Nhật (lái xe của hãng xe B.P.) bức xúc cho biết, xe ô-tô đang lưu thông mà bị ném đá vào kính rất dễ gây hoảng loạn do tiếng va chạm phát ra lớn. Điều này khiến tài xế giật mình, lạc tay lái và có thể dẫn đến tai nạn. Nguy hiểm hơn trên xe khách chở nhiều người nên khi bị các cục đá lớn ném vỡ kính những người bên trong có khả năng bị thương nặng.
“Thời gian gần đây, các lái xe không xảy ra mâu thuẫn hay xích mích, va chạm với bất kỳ nhà xe nào. Dù việc ném đá có thể do trẻ con nghịch ngợm hoặc sự cố ý của người xấu nhưng vẫn là hành vi rất nguy hiểm, phải xử lý nghiêm. Bởi nếu không xử lý thì sẽ có những vụ tiếp theo, hậu quả không thể lường trước được” - tài xế Nhật kiến nghị.
Điều đáng nói, tình trạng ô-tô bị ném đá không chỉ mới xảy ra lần đầu tại Đồng Nai mà trước đó đã diễn ra ở nhiều tuyến đường khác. Tối 16-7-2017, các đối tượng: Hoàng Văn Dương (ngụ xã Giang Điền, H.Trảng Bom), Lâm Văn Công và Nguyễn Diên Ngọc Hiếu (cùng ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) cùng rủ nhau đi nhặt đá ném kính xe ô-tô đi ngoài đường.
Sau đó, Công điều khiển xe máy chở Dương và Hiếu đi quanh khu vực đường vào sân golf và đường Hùng Vương (thuộc KP.3, thị trấn Trảng Bom, H.Trảng Bom). Tiếp đó, cả 3 đối tượng này đã liên tục ném bể kính trước của 3 xe ô-tô đậu ven đường. Khi các đối tượng ném đá bể kính chiếc xe của chị N.T.H.G. đang chạy trên đường thì bị phát hiện. Do các đối tượng này dưới 18 tuổi nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chiều 18-9-2018, bà N.Đ. (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) điều khiển xe ô-tô lưu thông trên đường Lê Đại Hành ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) thì bị Đỗ Ngọc Sương (32 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) dùng đá ném làm bể kính phía sau xe ô-tô gây thiệt hại khoảng 12 triệu đồng. Sau đó, bà Đ. đã đến Cơ quan công an trình báo. Với hành động này, Sương đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
* Tùy mức độ vi phạm để xử lý
Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị vận hành, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, thời gian đầu tuyến đường này đi vào hoạt động, tình trạng xe ô-tô đang lưu thông cũng bị các đối tượng xấu ném đá. Ở trên đường cao tốc, phương tiện được phép lưu thông tối đa 100-120 km/giờ, nếu bị ném đá, chỉ cần một cục đá nhỏ cũng khiến lái xe có thể giật mình phanh gấp, mất lái dẫn đến tai nạn liên hoàn nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người trên xe cũng như giao thông trên đường.
Cầu vượt tỉnh lộ 25A đoạn giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được lắp đặt lưới sắt để ngăn chặn hành vi ném đá gây mất an toàn giao thông. Ảnh: T.Hải |
Theo đó, những vị trí bị ném đá gồm: cầu vượt tỉnh lộ 25A, cầu Long Thành (đoạn gần Trạm thu phí Long Phước) và nhiều đoạn cầu vượt khác trên tuyến đường cao tốc, trong đó đã có 6 vụ làm vỡ hoặc nứt kính xe. Rất may là các trường hợp xảy ra chỉ gây hư hỏng ô-tô, chưa có người nào bị thương. Để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của các phương tiện giao thông, VECE đã lắp đặt các hàng rào chống vật rơi trên tất cả các vị trí cầu vượt và tổ chức tuần tra liên tục. Từ đó, góp phần hiệu quả, ngăn chặn kịp thời hành động xấu này.
Luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh phân tích, tùy tính chất, mức độ thiệt hại, sự nhận thức đối với hành vi là cố ý hay vô ý của người ném đá vào phương tiện giao thông để xử lý. Theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội... hành vi ném đá phương tiện giao thông sẽ bị phạt 500 ngàn đến 1 triệu đồng.
Trong trường hợp, đối tượng ném đá vào xe ô-tô đang tham gia giao thông trên đường nếu gây thiệt hại về tài sản từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về mặt hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, nếu hành vi này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trên xe và đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.
“Để ngăn chặn hành vi này, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho người dân sinh sống dọc hai bên đường cũng như xử lý nghiêm hành vi ném đá, phá hoại các công trình giao thông” - luật sư Nhân nhấn mạnh.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, ném gạch, đá vào các phương tiện tham gia giao thông là hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của các đối tượng, gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt khi các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. |
Thanh Hải