Thời gian qua, đã có không ít trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi báo tin giả cho cơ quan chức năng. Hầu hết các đối tượng báo tin giả đều không nghĩ đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi báo tin giả cho cơ quan chức năng.
Chiếc xe máy chị N.T.V. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) báo bị cướp thực chất đã được người quen cất giữ. Ảnh: T.Danh |
Một số trường hợp tự “dựng chuyện” rồi báo tin cho cơ quan chức năng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng báo tin giả đều không nghĩ hành vi báo tin giả là vi phạm pháp luật, làm nhiễu loạn thông tin, dễ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
* Báo tin giả chỉ vì muốn lấy tiền của người nhà
Có nhiều trường hợp người dân báo tin giả hay còn gọi là trình báo sai sự thật với công an. Phổ biến nhất là gọi trêu đùa đến các số điện thoại khẩn cấp 113, 114 để báo án (chủ yếu là bị trộm, cướp tài sản), báo cháy để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản, tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc đơn giản chỉ vì muốn lấy tiền của người nhà, chọc phá cơ quan chức năng...
Gần đây nhất, vào ngày 18-2, Công an huyện Nhơn Trạch nhận được tin báo từ vợ chồng bà H.T.H. (44 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) về việc bị kẻ gian cạy cửa đột nhập vào nhà lấy trộm khoảng 500 triệu đồng. Theo tin báo của người dân, đây là vụ trộm tài sản lớn xảy ra trên địa bàn nên Công an huyện Nhơn Trạch đã ngay lập tức cử cán bộ điều tra xuống hiện trường thu thập thông tin, ghi nhận sự việc để điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên trong quá trình khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của bà H., cán bộ điều tra phát hiện những thông tin và hiện trường mà bà H. khai báo có nhiều điểm đáng nghi. Một số thông tin bà H. cung cấp ban đầu cho lực lượng công an không trùng khớp với hiện trường vụ việc. Đặc biệt, suốt quá trình lấy lời khai, bà H. có biểu hiện lúng túng, khai báo bất nhất, sợ sệt.
Nhận định vụ việc bà H. trình báo là bất thường nên các cán bộ điều tra đã chuyển hướng sang xác minh những thông tin mà bà này trình báo có đúng sự thật hay không. Cuối cùng bà H. đã thừa nhận thông tin mất trộm số tiền 500 triệu đồng chỉ là “màn kịch” do bà dựng lên nhằm lấy số tiền mà con đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về để trả nợ và tiêu xài riêng.
Tương tự, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cũng vừa điều tra một trường hợp báo tin cướp tài sản giả. Tại cơ quan công an, chị N.T.V. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) thừa nhận ngày 12-2 chị báo thông tin bị 2 đối tượng đi xe máy chặn đầu, khống chế cướp 1 xe máy, 1 điện thoại di động và 1 dây chuyền bạc là không đúng sự thật. Nguyên nhân xuất phát từ việc muốn gia đình cho tiền để tiêu xài nên đã nghĩ ra cách này nhằm “vòi tiền” gia đình. Để thực hiện kế hoạch, chị V. nhờ 2 người làm cùng công ty mang chiếc xe máy của mình cất giùm, còn chiếc điện thoại và giấy tờ xe chị V. mang cất giấu.
* Báo tin giả nhưng lãnh hậu quả thật
Không chỉ có các vụ việc nêu trên, trước đó tại một số địa phương như: Định Quán, Vĩnh Cửu... cũng đã có những người dân đến cơ quan công an báo tin giả bị cướp tài sản. Thậm chí những người này còn dựng nên những tình huống táo tợn khiến cho người tiếp nhận thông tin thấy hoang mang.
Tuy nhiên, thông thường các vụ báo tin giả kiểu này không thể qua được “con mắt” nghiệp vụ của lực lượng công an. Cuối cùng chân tướng của sự thật được phơi bày và người tung tin giả bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định của cơ quan công an, sở dĩ tình trạng báo tin giả đến cơ quan chức năng vẫn còn xảy ra là do một số người dân nghĩ đơn giản rằng, khi báo tin giả nếu cơ quan công an xác minh không được hoặc sự việc không có thì cũng không bị xử lý. Họ không lường hết tác hại do việc báo tin giả gây ra. Ngoài việc gây không ít phiền toái cho cơ quan chức năng, việc báo tin giả còn gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương nếu các thông tin này không được điều tra, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới chỉ dừng lại ở xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình quy định hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đáng chú ý, đối với hành vi báo cháy giả, theo Điểm a, Khoản 3, Điều 40 của nghị định này quy định mức xử phạt từ 2-5 triệu đồng.
Một cán bộ điều tra Công an huyện Nhơn Trạch cho biết, khi gặp các trường hợp báo tin giả, công an cấp huyện cũng chỉ lập hồ sơ rồi chuyển vụ việc cho công an xã, phường để xử lý hành chính theo quy định nên chưa đủ sức răn đe, cần phải tăng mức xử phạt đối với những tin báo giả có dựng lên những tình huống táo tợn, gây hoang mang dư luận.
Trần Danh