Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nào được mở lối đi qua bất động sản liền kề?

10:01, 06/01/2020

Lối đi qua là quyền của người sử dụng đất ở phía trong khi không có lối ra. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về quyền này của người sử dụng đất nhưng trên thực tế vẫn còn một số điểm quy định chưa rõ nên vấn đề tranh chấp lối đi chung giữa các chủ sở hữu bất động sản liền kề vẫn xảy ra rất phổ biến.

Lối đi qua là quyền của người sử dụng đất ở phía trong khi không có lối ra. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về quyền này của người sử dụng đất nhưng trên thực tế vẫn còn một số điểm quy định chưa rõ nên vấn đề tranh chấp lối đi chung giữa các chủ sở hữu bất động sản liền kề vẫn xảy ra rất phổ biến.

Các luật gia, luật sư Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn cho một  người dân ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) thủ tục yêu cầu UBND xã giải quyết khiếu nại về lối đi. Ảnh: Đ.Phú
Các luật gia, luật sư Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn cho một người dân ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) thủ tục yêu cầu UBND xã giải quyết khiếu nại về lối đi. Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh cho biết, quyền về lối đi qua được quy định tại Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

* Có quyền yêu cầu mở lối đi

Ông N.V.B. (ngụ xã Phú Vinh, huyện Định Quán) có 2 sào đất rẫy nằm phía sau rẫy của ông T.V.C. Mấy năm trước đây, ông B. được ông C. cho đi nhờ trên đất để vào rẫy sản xuất. Trong một lần tổ chức cúng rẫy, ông B. có lời nói không đúng khi quá chén làm ông C. bực tức nên rào luôn lối đi. Vì không có đường vào rẫy, ông B. nhiều lần qua xin lỗi và đề nghị ông C. chuyển nhượng cho ông một phần đất để làm lối đi nhưng ông C. vẫn nhất quyết không đồng ý.

Ông B. phân trần, ông chỉ cần ông C. chuyển nhượng cho ông 2m chiều ngang để có đường vào rẫy nhưng vì quá giận chuyện trước kia, ông C. nhất quyết không đồng ý. Vì vậy, 1 năm nay ông B. đành bỏ đất hoang mà không biết phải làm sao để có được đường vào ruộng để trồng tỉa.

Về vụ việc này, luật gia Lê Văn Nhân cho biết, theo Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp của ông B. không có một lối đi nào khác để ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu các chủ đất ở phía ngoài dành cho mình một lối đi trên phần đất của họ. Khi mở lối đi cũng phải đáp ứng quy định tại Khoản 2, Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 như: vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.

“Nếu đôi bên không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu UBND xã giải quyết. Nếu UBND xã không giải quyết được thì các bên có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết” - luật gia Lê Văn Nhân nói.

* Cần quy định rõ diện tích tối thiểu được yêu cầu chuyển nhượng làm lối đi

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về mở lối đi qua nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn gặp không ít khó khăn do quy định của luật vẫn còn điểm chưa cụ thể, rõ ràng.

Theo khoản 3, Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người ở phía trong không phải đền bù cho người ở phía ngoài trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau (khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù).

Cụ thể như trường hợp của ông B.K.L. (ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán) “khổ sở” khi bị hàng xóm liên tục khiếu nại yêu cầu tăng diện tích đất để cho người này làm lối đi. Trước đây, ông L. đã đồng ý chuyển nhượng cho người hàng xóm diện tích đất 2x20m để làm đường đi vào nhà, đất của họ. Được một thời gian thì hàng xóm tiếp tục yêu cầu ông phải nhượng thêm diện tích 3x20m nữa để mở rộng đường đi (vì lúc này nhà hàng xóm sắm được xe máy cày). Không đồng tình với chuyện được đà lấn tới của hàng xóm, ông L. nhất định không nhượng bộ và đôi bên xảy ra tranh chấp.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho hay, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định...

“Hiện luật chưa có quy định diện tích tối thiểu mà chủ sở hữu đất phải chuyển nhượng cho chủ sở hữu có đất liền kề (do không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng) là bao nhiêu mà để các bên tự thỏa thuận. Dựa theo quy định này, không ít người đã khiếu kiện đòi quyền lợi dẫn đến nhiều vụ tranh chấp dân sự kéo dài. Do đó, đây là điểm cần có quy định rõ hơn” - luật sư Ngô Văn Định kiến nghị.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích