Báo Đồng Nai điện tử
En

Thế nào là hành vi rửa tiền?

10:11, 08/11/2019

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP (gọi tắt là Nghị quyết 03) ngày 24-5-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP (gọi tắt là Nghị quyết 03) ngày 24-5-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh truyền đạt các quy định của Bộ luật Hình sự đến cán bộ ấp, xã trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh truyền đạt các quy định của Bộ luật Hình sự đến cán bộ ấp, xã trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (ảnh minh họa)

Luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh (nhiệm kỳ 2014-2019) cho biết, rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác. Điều 324, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định tội rửa tiền có khung hình phạt từ 1-15 năm tù.

* Căn cứ xác định hành vi rửa tiền

Nghị quyết 03 là một trong những căn cứ quan trọng để xác định hành vi rửa tiền. Theo Nghị quyết 03, việc xác định hành vi phạm tội rửa tiền được căn cứ vào một trong các tài liệu sau: Bản án, quyết định của tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng...); tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự...).  Luật gia Nguyễn Đức nhấn mạnh, nếu thiếu các chứng cứ trên thì cơ quan tố tụng không đủ điều kiện quy kết cá nhân, tập thể phạm tội rửa tiền.

Luật gia Nguyễn Đức phân tích, theo Nghị quyết 03 có 4 cách để biết hay có cơ sở để biết tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể:  người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội. Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền). Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng 1/10 trị giá của chiếc xe đó).

* Bản chất của tội rửa tiền

Tội rửa tiền về bản chất là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là các tội phạm về kinh tế như: buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế; các tội phạm về tham nhũng;  các tội phạm về ma túy...

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) giải thích,  rửa tiền là làm cho tiền hoặc tài sản bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác; che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản, cũng như thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 324, Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2017,  một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây: thứ nhất, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.

Thứ 2, sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác. Thứ 3, che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

“Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi trên mà không cần xác định hậu quả. Nếu hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 hoặc Khoản 3 của Điều 324, Bộ luật Hình sự hiện hành” - luật sư Lưu Hồng Khanh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đoàn Phú

Tin xem nhiều