Trong 2 tháng gần đây, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ cháy chợ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Đồng Nai, tuy chưa xảy ra vụ cháy chợ nào nhưng theo các cơ quan chức năng, nguy cơ cháy, nổ từ các chợ truyền thống vẫn còn cao.
Trong 2 tháng gần đây, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ cháy chợ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Đồng Nai, tuy chưa xảy ra vụ cháy chợ nào nhưng theo các cơ quan chức năng, nguy cơ cháy, nổ từ các chợ truyền thống vẫn còn cao.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chợ Biên Hòa. Ảnh: Đ. Tùng |
Kết quả kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh của lực lượng PCCC toàn tỉnh cho thấy, việc thực hiện quy định về PCCC của các chợ còn nhiều hạn chế, tồn tại.
* Nguy cơ cháy cao
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, qua kiểm tra công tác PCCC của hơn 70 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy, công tác PCCC của nhiều chợ vẫn chưa đảm bảo. Các lỗi vi phạm thường gặp là: tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu; thờ cúng, đốt vàng mã; nấu ăn trong ki-ốt; hàng hóa, vật tư dễ cháy sắp xếp gần các thiết bị điện. Ngoài ra, các tiểu thương khi sắp xếp, bố trí hàng hóa còn lấn chiếm lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC dẫn đến tăng khả năng gây ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.
Để góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ ở các chợ, trong tháng 9 và tháng 10, Công an tỉnh đã tập huấn công tác PCCC cho lực lượng PCCC tại các xã, phường, thị trấn. Trong ngày 22-10 vừa qua, Công an tỉnh còn tổ chức hội nghị chuyên đề PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho ban quản lý các chợ toàn tỉnh. Tại các buổi tập huấn, hội nghị, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh giới thiệu những kiến thức cơ bản về cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ; biện pháp tổ chức công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, cơ sở; các bước xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. |
Trung tá Nguyễn Công Lợi, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Công tác PCCC của ban quản lý các chợ còn tồn tại nhiều hạn chế như: trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ còn thiếu, chưa trang bị lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; bảo dưỡng phương tiện PCCC chưa thường xuyên; lực lượng PCCC tại chỗ còn mỏng”.
Trước nguy cơ cháy, nổ ở các chợ truyền thống còn cao, Trung tá Nguyễn Công Lợi bày tỏ sự băn khoăn: “Cháy chợ thường gây thiệt hại lớn về tài sản vì đa phần các vụ cháy xảy ra vào ban đêm, khi được phát hiện thì đám cháy đã lan rộng và khó khống chế, hơn nữa trong các chợ số lượng hàng hóa được tập trung rất lớn dẫn đến khả năng gây ra cháy lớn cao”.
* Tăng cường tự kiểm tra
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, để đảm bảo an toàn cháy, nổ ở chợ cần phải nâng cao ý thức của tiểu thương và sự kiểm tra liên tục của ban quản lý chợ. Do đó, công an các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở ban quản lý các chợ, tiểu thương nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC.
Hiện toàn TP.Long Khánh có 6 chợ truyền thống. Qua kiểm tra công tác PCCC của một số chợ trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng phát hiện các vi phạm như: bố trí mạng lưới điện mất an toàn; xếp hàng hóa đè lên dây điện, chắn lối đi... Đại úy Mai Công Luận, Phó trưởng Công an TP.Long Khánh cho hay, để chấn chỉnh tình trạng này, Công an thành phố sẽ tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ, qua đó chỉ rõ cho ban quản lý các chợ, người dân những nguy cơ mất an toàn PCCC và kiên quyết xử phạt các trường hợp còn tái phạm.
Để nâng cao nhận thức cho tiểu thương, ban quản lý một số chợ trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương chú ý kiểm tra lại nguồn điện, nguồn nhiệt (nấu ăn, đốt nhang) trước khi đóng cửa ra về. Cụ thể như tại chợ Trảng Bom (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom), vào các buổi chiều tối, Ban quản lý chợ đi tới từng ki-ốt nhắc nhở tiểu thương hạn chế đốt nhang, kiểm tra điện, nguồn nhiệt trước khi đóng cửa, nhất là với các hộ kinh doanh vải, đồ gỗ...
Tại TP.Biên Hòa có 25 chợ truyền thống (chưa kể chợ tự phát). Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, nhiều chợ chưa đảm bảo công tác PCCC. Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa cho rằng: “Càng vào cuối năm là lúc ban quản lý các chợ làm việc cật lực nhất vì đây là thời điểm hàng hóa tích trữ nhiều, tiểu thương lo buôn bán, ít chú ý đến việc PCCC nên dễ phát sinh cháy, nổ... Do đó, cần có sự phối hợp thật tốt giữa ban quản lý các chợ, chính quyền, công an các địa phương để ngăn ngừa, xử lý tốt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra”.
Đăng Tùng