Từ đầu năm tới nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp, gọi tắt là Trung tâm) và chi nhánh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhận bảo vệ cho 139 đối tượng yếu thế (người nghèo, trẻ em, người bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật...) là bị can, bị cáo, nạn nhân trong các vụ án hình sự.
Từ đầu năm tới nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp, gọi tắt là Trung tâm) và chi nhánh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhận bảo vệ cho 139 đối tượng yếu thế (người nghèo, trẻ em, người bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật...) là bị can, bị cáo, nạn nhân trong các vụ án hình sự.
Trợ giúp viên Võ Thùy Diệp, Phụ trách Chi nhánh trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Xuân Lộc phát tờ rơi truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý đến người dân xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc. Ảnh: Đoàn Phú |
Giám đốc Trung tâm Lê Quang Vinh bày tỏ, quán triệt Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư liên tịch 10) ngày 29-6-2018 của liên bộ Tư pháp - Công an - Quốc phòng - Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, các cơ quan tố tụng đã kịp thời giới thiệu, thông tin đối tượng yếu thế là bị can, bị cáo, nạn nhân, người có nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự cho Trung tâm để cử trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên bảo vệ cho họ.
* Không để người yếu thế đơn độc
Bị Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch tuyên phạt 1 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản, bị cáo N.N.Y.N. (dưới 18 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Trong quá trình chờ xét xử phúc thẩm, bị cáo Y.N. có đơn yêu cầu Trung tâm cử trợ giúp viên hỗ trợ pháp lý cho mình.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Mỹ Đặng Tấn Dũng cho hay, để hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng yếu thế đạt hiệu quả, chất lượng thì ngoài công tác phối hợp tốt, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, Trung tâm và các chi nhánh trợ giúp pháp lý phải đẩy mạnh công tác truyền thông, bồi dưỡng kỹ năng tham gia tố tụng và nhất là nâng cao vai trò trách nhiệm nghề nghiệp. |
Trợ giúp viên Hoàng Minh Thư (bảo vệ cho bị cáo Y.N.) kể, trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Y.N. không yêu cầu Trung tâm hỗ trợ nên không biết cách tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho mình khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi; thành thật khai báo; khắc phục một phần thiệt hại; hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhận thức pháp luật hạn chế; đang nuôi con dưới 20 tháng tuổi.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, trợ giúp viên Hoàng Minh Thư kịp thời cung cấp, bổ sung các chứng cứ chứng minh bị cáo Y.N. được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh chấp nhận giảm án cho bị cáo từ 1 năm tù giam xuống còn 9 tháng tù giam.
Hay như vụ án V.L. (dưới 18 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đề nghị mức hình phạt từ 24-30 tháng tù. Qua xem xét các tình tiết giảm nhẹ theo đề nghị của trợ giúp viên Hoàng Minh Thư, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch chỉ tuyên phạt bị cáo V.L. 16 tháng tù và cho hưởng án treo.
Trợ giúp viên Hoàng Minh Thư chia sẻ, trong các vụ án hình sự, trường hợp đối tượng yếu thế, nhất là người dưới 18 tuổi phạm tội nếu bản thân, thân nhân và các cơ quan tố tụng yêu cầu Trung tâm hỗ trợ càng sớm thì quyền lợi chính đáng của họ sẽ được bảo vệ kịp thời và thỏa đáng hơn.
* Đã có “bảo bối”
Ông Lê Quang Vinh cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 139 đối tượng yếu thế được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý yêu cầu hoặc do các cơ quan tố tụng giới thiệu đến Trung tâm và các chi nhánh hỗ trợ pháp lý cho họ, so với năm 2018 tăng gần 60 đối tượng (được Trung tâm tiếp nhận hỗ trợ pháp lý). Đây là điều đáng mừng vì các cơ quan tố tụng được quán triệt Thông tư liên tịch 10 từ huyện tới tỉnh cho cán bộ điều tra, giám thị, kiểm sát viên, thẩm phán...; nên khi phát hiện có đối tượng yếu thế là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng nhanh chóng thông báo cho Trung tâm và các chi nhánh.
Tại tọa đàm về thực trạng, giải pháp nâng cao công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh gần đây, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào, Chủ tịch Hội đồng phối hợp trợ giúp pháp lý tỉnh nhấn mạnh, việc các cơ quan tố tụng quán triệt và có sự chỉ đạo quyết liệt Thông tư liên tịch 10 cho ngành, cán bộ mình thực hiện đã giúp cho Trung tâm và các chi nhánh trợ giúp pháp lý nhà nước dễ dàng tiếp cận với đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý và tránh tình trạng bỏ sót người có nhu cầu trợ giúp pháp lý nhưng không được trợ giúp, hoặc không tiếp cận được cơ quan có trách nhiệm cử người hỗ trợ pháp lý cho họ.
Ông Lê Quang Vinh cho hay, 9 tháng của năm 2019, Trung tâm và các chi nhánh đã tổ chức truyền thông hoạt động trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn, huyện, trường học, trại tạm giam... trên 100 đợt. Ngoài ra, Trung tâm và các chi nhánh còn đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã; phát tờ rơi; đặt bảng thông tin tại trên 200 đơn vị (cấp xã, huyện, ngành).
Theo ông Lê Quang Vinh, nhờ công tác phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan tố tụng, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay rất tốt nên đơn vị giải quyết được bài toán khó bấy lâu nay là trợ giúp viên thiếu vụ việc, dẫn tới công tác thi đua nhiều năm liên tục không được đánh giá cao vì chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao từ 15-25 vụ việc/trợ giúp viên/năm không đạt được, trong khi nhu cầu được hưởng quyền trợ giúp pháp lý của đối tượng yếu thế trong thực tế rất cao.
Đoàn Phú