Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 40 năm đi đòi đất: Nỗi lòng của một gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

05:10, 24/10/2019

Trong suốt hơn 40 năm qua, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Vàng (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) vẫn kiên trì "gõ cửa" các cấp chính quyền và cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để mong nhận lại đầy đủ phần đất bị tịch thu từ sau ngày 30-4-1975. Đây cũng là vụ việc khiếu kiện kéo dài trên địa bàn huyện Long Thành và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong suốt hơn 40 năm qua, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Vàng (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) vẫn kiên trì “gõ cửa” các cấp chính quyền và cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để mong nhận lại đầy đủ phần đất bị tịch thu từ sau ngày 30-4-1975. Đây cũng là vụ việc khiếu kiện kéo dài trên địa bàn huyện Long Thành và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Võ Đông Hà bức xúc cho biết, một phần diện tích đất có nguồn gốc của gia đình ông ở xã Lộc An, huyện Long Thành đang bị phân lô, rao bán nền. Ảnh: Bảo Hân
Ông Võ Đông Hà bức xúc cho biết, một phần diện tích đất có nguồn gốc của gia đình ông ở xã Lộc An, huyện Long Thành đang bị phân lô, rao bán nền. Ảnh: Bảo Hân

Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Vàng là vợ ông Võ Văn Truyện, là người có công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trước khi qua đời, ông Truyện vẫn luôn mong mỏi được nhận lại phần đất của gia đình…

* Thực thi quyết định chưa triệt để…

Theo ông Võ Đông Hà (con trai ông Võ Văn Truyện), sau ngày đất nước thống nhất, ngày 3-11-1975 UBND cách mạng huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) ban hành Quyết định số  03/QĐ/UBH tuyên tịch thu toàn bộ tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của cha ông là ông Võ Văn Truyện (có biên bản tịch thu). Trong đó có 7.230m2 đất tại xã Phước Lộc (nay thuộc khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành) do ông Truyện mua của ông Nguyễn Văn Kỷ và một số phần đất khác. Việc mua bán trên được Hội đồng xã Phước Lộc của chính quyền chế độ cũ thị thực 2 dấu ký tên của hai bên mua, bán vào tờ mua bán đất có họa đồ vị trí đất kèm theo.

Sau khi được Đảng, Nhà nước xác định ông Võ Văn Truyện là cơ sở cách mạng, có 2 người con là liệt sĩ nên ngày 10-12-1975, UBND cách mạng tỉnh Biên Hòa đã ban hành Quyết định số 110/VP/UBT giải tỏa quyết định số 03/QĐ/UBH của UBND cách mạng huyện Long Thành, đề nghị giao lại toàn bộ tài sản đất đai đã tịch thu cho gia đình ông Truyện.

Sau khi có quyết định 110 của UBND cách mạng tỉnh Biên Hòa, gia đình ông Hà được nhận lại phần đất ruộng (ở xã Long Phước) và đất vườn cây ăn trái (nay ở xã An Phước) cùng 1 căn nhà lợp ngói ở thị trấn Long Thành. Riêng phần đất thổ cư diện tích 7.230m2 ở khu Cầu Xéo (thị trấn Long Thành) và 13,8 hécta đất rẫy ở xã Lộc An không được chính quyền địa phương trao trả.

Đến năm 1977, UBND huyện Long Thành lại có Quyết định 07/QLRĐ tịch thu tiếp 12,39 ha ruộng và một số phần đất khác của gia đình ông tọa lạc tại khu Bàu Xéo (thị trấn Long Thành). Không đồng tình với quyết định này, gia đình ông đã khiếu nại và đến ngày 28-5-1992, UBND huyện Long Thành đã ban hành quyết định số 128/QĐ/UBH không thu hồi diện tích đất, ruộng, vườn của ông Võ Văn Truyện trên địa bàn thị trấn Long Thành nêu trong Quyết định số 07 năm 1977.

Sau khi có quyết định số 128 nói trên, gia đình ông đã được nhận lại hơn 1.500m2 trong phần đất thổ cư 7.230m2 ở khu Cầu Xéo. Số diện tích đất còn lại vẫn không được trao trả đầy đủ. Do đó, từ năm 1994 đến nay, gia đình ông đã khiếu kiện đến UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để mong được nhận lại các phần đất của gia đình theo Quyết định số 110 của UBND cách mạng tỉnh Biên Hòa và Quyết định số 128  của UBND huyện Long Thành.

* Phức tạp, khó khăn trong giải quyết?

Ngày 7-1-2001, Thanh tra Nhà nước đã có văn bản số 31 về việc giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Hà. Trong đó có nêu việc sử dụng đất trên diện tích 7.230m2 tại khu Cầu Xéo chủ yếu là những hộ do gia đình ông Truyện cho ở nhờ từ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nay một số đã chuyển nhượng với nhau. Riêng phần đất 13,8 hécta ở xã Lộc An do UBND xã Lộc An quản lý và cho hai hộ khác thuê để trồng trọt. Do đó, đến thời điểm đó chưa có quyết định hay văn bản nào khẳng định gia đình ông Hà không còn chủ quyền đối với những phần đất nói trên. Thanh tra Nhà nước cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết theo hướng triển khai thực hiện Quyết định số 128 ngày 28-5-1992 của UBND huyện Long Thành (tức không thu hồi diện tích đất ruộng vườn của gia đình ông Hà trên địa bàn thị trấn Long Thành).

Đồng quan điểm trên, năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Hà, trong đó nêu rõ Quyết định số 128 về trả lại toàn bộ tài sản tịch thu của gia đình ông chưa được thực hiện dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Long Thành tiếp tục giải quyết theo các quyết định được ban hành còn hiệu lực theo đúng pháp luật.

Nhận thấy vụ việc xảy ra đã lâu, kéo dài, đến năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1342 thành lập tổ công tác trực tiếp xuống Long Thành giải quyết vụ việc. Tổ công tác kiến nghị giải quyết theo hướng yêu cầu trả lại đất của gia đình ông Hà là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Hà, gia đình ông không đồng tình với báo cáo số 80 của Tổ công tác 1342 bởi các văn bản pháp luật khẳng định nguồn gốc đất của gia đình ông vẫn còn hiệu lực pháp lý. Mặt khác, quá trình lấy ý kiến những nhân chứng ở địa phương của Tổ công tác 1342 về vụ việc là không khách quan, thuyết phục. Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, một số văn bản kết luận vụ việc của cơ quan chức năng địa phương không thống nhất, chồng chéo đã khiến vụ việc không được giải quyết dứt điểm.

Ông Võ Đông Hà cho rằng, cả hai văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đều kết luận gia đình ông có quyền sở hữu các phần đất: 7.230m2 đất, 12,34 hécta đất ruộng gò, 2,2 hécta đất ruộng rẫy tọa lạc tại Cầu Xéo và 13,8 hécta tại xã Lộc An nhưng việc trao trả lại chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này khiến cho gia đình ông không thể thực hiện quyền sử dụng đất một cách liên tục dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài hơn 40 năm qua. Đến nay, một số thửa đất trong phần diện tích đất có nguồn gốc của gia đình ông đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ hoặc chính quyền địa phương cho thuê. Trong khi đó, quá trình thỏa thuận giữa gia đình ông Hà và các hộ nói trên là rất khó khăn khiến cho vụ việc rơi vào bế tắc…

Ông Hà khẳng định, hai quyết định quan trọng có yếu tố quyết định trong vụ việc là Quyết định 110/VP/UBT của UBND cách mạng tỉnh Biên Hòa ký ngày 10-12-1975 và Quyết định số 128/QĐ/UBH do UBND huyện Long Thành ký ngày 28-5-1992 đến nay vẫn còn hiệu lực pháp lý nhưng lại chưa được thực thi triệt để, đó là điều mà gia đình ông bức xúc và mong muốn được giải quyết triệt để. “Gia đình tôi mong muốn được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo để gia đình được nhận lại những diện tích đất theo quy định tại các văn bản pháp luật còn hiệu lực thi hành” - ông Hà nói.

Liên quan đến vụ việc, ngày 9-1-2019, UBND huyện Long Thành đã có văn bản thông tin kết quả xử lý đơn của gia đình ông Võ Đông Hà về việc xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 43, 45, tờ bản đồ số 82, tọa lạc tại khu Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành). Trong đó nêu rõ số thửa đất mà gia đình ông xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong tổng diện tích 7.230 m2 có nguồn gốc của gia đình ông. Hơn nữa, hiện nay các thửa đất này không nằm trong danh sách đất công do UBND thị trấn Long Thành quản lý. Do đó, huyện giao UBND thị trấn Long Thành hướng dẫn gia đình ông để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nói trên…

Bảo Hân

Tin xem nhiều