Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tuy ít nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ tai nạn giao thông đường thủy trong tỉnh tuy xảy ra ít nhưng trên các tuyến sông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể làm gia tăng tai nạn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn tàu thuyền qua lại khu vực cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) an toàn. Ảnh: T. Hải |
* Căng thẳng tàu thuyền trên sông
Dù có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề lái tàu trên sông, nhưng ông Hoàng Văn Thanh (quê tỉnh Bến Tre) không khỏi lo lắng trước những nguy hiểm, sự cố vào mùa nước lớn. Đặc biệt, chỉ một đoạn sông từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) đã có gần 5 bãi đá ngầm lớn gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại. Tất cả những bãi đá ngầm này chỉ cách mép luồng tàu chạy từ 15-80m. Với khoảng cách trên, tai nạn có thể xảy ra nếu người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát.
Ban ATGT tỉnh cho biết, trong 9 tháng của năm 2019, trật tự ATGT đường thủy tiếp tục được đảm bảo. Toàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm chết 1 người. |
Ngoài những rủi ro từ các lớp đá ngầm dưới lòng sông, những ai làm nghề chở hàng hóa trên sông nước đều “nơm nớp” lo sợ trước thiên tai. Vào mùa mưa, dòng sông trở nên hung hãn hơn, các vị trí xoáy nước lúc ẩn lúc hiện đe dọa đến sự an toàn của các phương tiện thủy. Nếu không may đi vào vùng nước xoáy, thiệt hại rất nặng nề.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, các lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ cao của các phương tiện thủy gồm: chở quá vạch an toàn, chở quá tải, vi phạm các quy định về: tín hiệu, sơn kẻ vạch an toàn, danh bạ thuyền viên… Trong đó, vi phạm chở quá vạch an toàn và quy định tín hiệu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn đường thủy.
Các phương tiện thủy chở quá vạch an toàn khi có sự cố thường dễ bị va trôi gây tai nạn. Bởi sức đẩy (tự hành hoặc có tàu đẩy, kéo) của phương tiện không đủ sức khống chế sức trôi tự do của chính phương tiện quá tải này. Vào mùa nước lớn như hiện nay, trên sông Đồng Nai nước chảy xiết, nhưng các sà lan, tàu, ghe lưu thông qua đây vẫn chở quá vạch an toàn, khiến nguy cơ tai nạn gia tăng.
Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho hay, ngoài 17 tuyến sông nhỏ, dài hàng trăm cây số thì Đồng Nai còn có hệ thống sông lớn, hồ, đập… rất phức tạp, làm cho tuyến giao thông thủy luôn tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn cao.
* Trực chiến chống trôi, va đập vào trụ cầu
Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa, những đợt mưa to, gió lớn những ngày vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lưu thông của tàu thuyền trên sông. Ngoài ra, việc Nhà máy thủy điện Trị An liên tục mở các cửa xả tràn và kéo dài nhiều ngày đã khiến mực nước sông Đồng Nai vùng hạ lưu đoạn qua TP.Biên Hòa dâng cao ở mức báo động.
Nước dâng cao, chảy xiết hơn bình thường nên nguy cơ phương tiện trôi, va đập vào thành và trụ cầu của các cây cầu như: Hóa An, Ghềnh, Đồng Nai, Hiệp Hòa… luôn thường trực. Để đảm bảo an toàn cho cầu và các phương tiện lưu thông trên sông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng Đồng Nai triển khai công tác điều tiết, hướng dẫn giao thông khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai.
Ông Trần Quang Trung, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết, kể từ ngày 20-9, đơn vị này đã bố trí 2 tổ công tác trực chốt 24/24 giờ tại vị trí cầu Hóa An và cầu Đồng Nai. Mỗi vị trí chia làm 2 phía ở thượng nguồn và hạ nguồn có nhiệm vụ trực chiến chống trôi, va đập vào trụ, thành cầu. Các phương tiện đường thủy khi lưu thông đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của báo hiệu và lực lượng điều tiết.
Cũng theo ông Trung, ngoài công tác điều tiết, hỗ trợ tàu thuyền qua lại dưới 2 dạ cầu Hóa An, Đồng Nai thì lực lượng chức năng sẽ kết hợp cứu hộ, cứu nạn đối với các phương tiện gặp tai nạn, sự cố trên sông. Bởi thực tế, trước đây đã có nhiều vụ tàu, thuyền, sà lan bị hỏng máy, neo tàu bị đứt, trôi tự do rồi đâm vào thành cầu. Rất may các vụ tai nạn này không gây thiệt hại về người, độ an toàn của cầu vẫn được đảm bảo.
“Sau các sự cố đâm, va vào các cây cầu nói trên, nguyên nhân chính được cơ quan điều tra đưa ra là do người điều khiển phương tiện đã vi phạm các quy tắc an toàn khi điều khiển phương tiện. Vì vậy, ngoài lên phương án bảo vệ cầu thì việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho các chủ cơ sở vận tải, chủ tàu và người điều khiển phương tiện đường thủy cũng cần được chú trọng” - ông Trung nói.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa nước lớn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng đã yêu cầu các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất ATGT đường thủy; khẩn trương, nhanh chóng xây dựng các trụ bảo vệ chân cầu để hạn chế các phương tiện lưu thông đâm, va vào cầu.
Thanh Hải