Hơn 1 năm nay, một số người dân ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà N.T.N.A. lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn để đưa họ đi xuất khẩu lao động nhưng không thực hiện.
Hơn 1 năm nay, một số người dân ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà N.T.N.A. (ngụ cùng xã) lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn để đưa họ đi xuất khẩu lao động nhưng không thực hiện đúng cam kết.
Một số nạn nhân giăng băng rôn trước nhà bà N.T.N.A. (ngụ xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) để yêu cầu trả tiền |
Sự việc vỡ lở, bà A. không trả lại tiền cho các nạn nhân khiến họ vừa lâm vào cảnh nợ nần vừa mất thời gian “gõ cửa” các cơ quan chức năng để kêu cứu.
Bài 1: Giấc mộng "đổi đời" bất thành
Giấc mộng xuất ngoại làm giàu không thành, một số người dân ở xã Xuân Thành phải “ôm” khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Có người còn đem cả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cầm cố ngân hàng và giờ chỉ còn biết “kêu trời” trước khoản nợ quá “khủng” so với hoàn cảnh của họ.
Qua làm việc với những người dân liên quan đến vụ việc này cho thấy, để được đi lao động tại Nhật Bản, họ phải ký một bản hợp đồng thỏa thuận trị giá 10 ngàn USD (tương đương 230 triệu đồng) với bà N.T.N.A.
* Dùng visa du lịch để đưa người đi lao động
Theo bản hợp đồng này, bà A. sẽ tiếp nhận và đưa những người có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc bằng visa du lịch. Sau khi đi du lịch qua Nhật Bản sẽ chuyển đổi visa để ở lại lao động tự do và nhận lương trực tiếp (không trả qua thẻ ngân hàng) của một số công ty tư nhân ở nước sở tại.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có 7 người (phần lớn đều ngụ xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) đã chi cho bà N.T.N.A. mỗi người 10 ngàn USD (tương đương 230 triệu đồng) để được sang Nhật Bản lao động. |
Trong bản hợp đồng thỏa thuận này, bà A. đặt ra yêu cầu người lao động không được tự ý ra ngoài. Nếu tự tiện ra khỏi nhà hoặc nơi làm việc mà bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ thì người lao động tự chịu trách nhiệm. Ngược lại phía bà A. sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người lao động từ nhà đến chỗ làm việc và đi lại ở những siêu thị gần nơi làm việc khi có cảnh sát hỏi giấy tờ tùy thân. Bà A. cam kết, nếu không đảm bảo những điều kiện này cho người lao động thì bà sẽ hoàn trả toàn bộ chi phí.
Với thỏa thuận trên, mỗi người đi lao động phải đóng cho bà A. 10 ngàn USD để làm việc từ 3-5 năm tại Nhật Bản (nếu đảm bảo yêu cầu người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài), với mức thu nhập khoảng từ 40-50 triệu đồng/tháng, mỗi ngày làm việc 8 tiếng. Thấy mức thu nhập hấp dẫn nên một số người quyết định vay mượn, có người đem cả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cầm cố ngân hàng để con em họ có cơ hội “đổi đời”.
Anh Nguyễn Đình Thuận (ngụ xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cho biết, trước đây có thời gian anh phụ dựng rạp đám cưới ở địa bàn xã Xuân Thành nên quen biết bà A. Trong lúc cuộc sống đang khó khăn, việc làm lại không ổn định nên khi nghe bà A. giới thiệu có thể lo cho anh qua Nhật Bản làm việc với mức thu nhập cao, anh Thuận đã về thuyết phục gia đình cầm cố giấy tờ nhà đất vay ngân hàng để anh có cơ hội xuất ngoại làm giàu.
Bản hợp đồng giữa bà N.T.N.A. và anh Nguyễn Hoài Phong (ngụ xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc). Ảnh: T.Danh |
Sau khi anh Thuận đồng ý đi lao động ở Nhật Bản, bà A. đã hướng dẫn anh làm các thủ tục xuất cảnh, trong đó có cả việc lập khống một giấy phép kinh doanh cửa hàng điện thoại để chứng minh tài sản khi làm thủ tục xin cấp visa. Anh Thuận cho biết, sau khi đóng đủ 230 triệu đồng cho bà A., đến tháng 11-2017, anh chính thức sang Nhật Bản để đi làm.
Tuy nhiên, gần 1 tháng đầu ở Nhật Bản, anh Thuận không có việc làm, suốt ngày ở trong nhà nên anh điện thoại cho người nhà yêu cầu bà A. dàn xếp việc làm cho anh. Sau đó, anh được sắp xếp đi làm nhưng tất cả đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà quản lý và tuyệt đối không tự tiện ra ngoài. Đến tháng 6-2018, anh Thuận và một số người đi cùng bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ, bị trục xuất về nước vì nhập cư lao động bất hợp pháp.
Trở về nước khi mới làm việc được một khoảng thời gian ngắn, khoản thu nhập chưa đủ trả tiền lãi và tiền gốc vay ngân hàng nên anh Thuận và gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nguy cơ mất nhà, đất rất cao do cầm cố tài sản nhưng không có khả năng chi trả.
Cùng cảnh ngộ này là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Lâm (ngụ xã Xuân Thành) cũng đã cầm cố tài sản để vay hàng trăm triệu đồng cho con trai của ông là Nguyễn Hoài Phong đi xuất khẩu lao động. Anh Phong cũng được bà A. làm thủ tục qua Nhật Bản làm việc bằng visa du lịch nhưng chỉ làm được ít tháng, anh bị cảnh sát của Nhật Bản phát hiện lao động bất hợp pháp nên trục xuất về nước. Mất việc, mất tiền, lại mang nợ hàng trăm triệu đồng, anh Phong và gia đình trở nên điêu đứng. Thế nhưng, từ đó đến nay, khoản tiền 230 triệu đồng gia đình anh Phong đóng cho bà A. vẫn không thể đòi lại được.
* Mòn mỏi đòi lại tiền
Thấy bà A. không thực hiện theo đúng như hợp đồng đã thỏa thuận, những người lao động sau khi bị trục xuất về nước đã tìm đến bà A. để đòi lại khoản tiền mà họ đã đóng trước đó. Tuy nhiên, đến nay chưa một ai trong số 7 người này đòi lại được tiền.
Chị Đặng Thị Tuyết Nhung (ngụ xã Xuân Thành), một trong những người được bà A. giới thiệu đi Nhật Bản làm việc cho biết, chị là người duy nhất mất trắng 230 triệu đồng, không gỡ gạc được đồng nào. Sau khi đóng cho bà A. 230 triệu đồng để được xuất ngoại, tháng 2-2018, chị Nhung được bà A. mua vé máy bay sang Nhật Bản. Tuy nhiên khi vừa xuống sân bay ở Nhật Bản, lực lượng an ninh xác định giấy tờ của chị không hợp lệ (do đi theo diện du lịch nhưng không có vé máy bay khứ hồi) nên trục xuất chị về nước khi chưa lao động được ngày nào.
“Vì muốn tìm cơ hội đổi đời nên tôi bấm bụng gửi con lại cho gia đình và nhờ cha mẹ ruột cầm cố tài sản vay tiền để đóng cho bà A. Sau khi về nước, tôi đến tìm bà A. đòi lại số tiền nhưng bà này không trả mà hứa sẽ tiếp tục đưa tôi đi xuất khẩu lao động vào đợt sau” - chị Nhung nói.
Thấy việc đưa người đi lao động của bà A. có vấn đề nên chị Nhung không đồng ý và muốn lấy lại tiền. Thế nhưng đã hơn 1 năm nay, chị và gia đình “mòn mỏi” đi đòi tiền nhưng không được. Khoản nợ hàng trăm triệu đồng mà gia đình chị vay mượn vẫn là gánh nặng lơ lửng trên đầu khiến ăn không ngon, ngủ không yên.
Không chỉ chị Nhung mà các nạn nhân khác cũng đã nhiều lần trực tiếp làm việc, thương lượng với bà A. để yêu cầu bà này hoàn trả phần nào số tiền mà họ đã bỏ ra nhưng đều bị từ chối. Điều khiến các nạn nhân bức xúc là bà A. không những không hợp tác mà còn tỏ thái độ thách thức. Do đó, các nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của huyện Xuân Lộc để cầu cứu. Tuy nhiên, sự việc đã kéo dài hơn 1 năm qua nhưng đến nay người dân vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ cơ quan chức năng.
Trước những thông tin nói trên, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh vẫn có các công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện tuyển dụng người đi lao động ở Nhật Bản. Theo ông Cộng, khi có các đơn vị tuyển dụng đủ điều kiện thì Sở sẽ có văn bản đồng ý cho công ty đó phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm và chính quyền địa phương để tuyển dụng con em địa phương đi xuất khẩu lao động theo quy định. Đối với việc tổ chức đi lao động bằng visa du lịch nêu trên, theo ông Cộng là hoàn toàn sai. Trong trường hợp này, lực lượng công an phải vào cuộc để điều tra làm rõ.
Trần Danh
Bài 2: Đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép?