Trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua xảy ra nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật. Qua xác minh của cơ quan công an, phần lớn các vụ việc này xuất phát từ những quan hệ xã hội nhưng không được giải quyết dứt dạt. Từ chỗ bắt giữ người trái pháp luật sẽ làm phát sinh các loại tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản...
Trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua xảy ra nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật. Qua xác minh của cơ quan công an, phần lớn các vụ việc này xuất phát từ những quan hệ xã hội nhưng không được giải quyết dứt dạt. Từ chỗ bắt giữ người trái pháp luật sẽ làm phát sinh các loại tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản...
* Bắt giữ người để giải quyết mâu thuẫn
Có những vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt không được giải quyết thỏa đáng, một số đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên bắt giữ người, đe dọa, khống chế người khác.
Mới đây, Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố bị can, bắt 2 đối tượng Trương Thái Hiệp (25 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và Đặng Quang Hưng (38 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong một số trường hợp còn bị phạt tù từ 2-7 năm hoặc từ 5-12 năm. |
Theo điều tra của cơ quan công an, sau khi được Hiệp cho mượn chiếc xe máy, Hưng lại cho một người tên Nguyên (chưa rõ lai lịch) mượn nhưng người này không trả. Biết Nguyên đang ở trọ chung với các anh Hồ Thanh Luân, Trần Quang Linh (ở khu vực xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) nên Hiệp và Hưng cùng một số đối tượng khác tìm đến khu vực này để tìm Nguyên.
Do không tìm được Nguyên nên Hiệp, Hưng và đồng bọn khống chế vợ chồng 2 anh Luân và Linh đưa về phòng trọ của Hưng ở phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) để giữ và tra khảo với mục đích yêu cầu những người này phải tìm cho ra Nguyên. Nhận được tin báo, Công an TP.Biên Hòa đã đến giải cứu các nạn nhân và bắt giữ những đối tượng trên.
Một số trường hợp không chỉ bắt giữ người trái pháp luật mà còn đánh đập, ép buộc nạn nhân phải thực hiện theo yêu cầu của mình. Trước đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng: Huỳnh Minh Thuận (27 tuổi), Nguyễn Mạnh Hùng (20 tuổi) và Phạm Minh Sang (21 tuổi), cả ba đều ngụ thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) cũng để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Theo xác minh của công an, khoảng tháng 3-2019, Nguyễn Chế Hoàng Duy (ngụ huyện Long Thành) có nợ Thuận hơn 19 triệu đồng tiền sửa xe nhưng không trả và tìm cách né tránh. Do nhiều lần không đòi tiền được nên Thuận có nhờ người quen tìm Duy để đòi nợ. Ngày 28-3, biết Duy đang có mặt tại khu vực thị trấn Long Thành, Thuận đã gọi thêm Hùng, Sang và một số người khác đi gặp Duy để đòi nợ. Khi tìm thấy Duy nhóm của Thuận đã khống chế, đánh đập và ép Duy phải về tiệm sửa xe của Thuận để “làm việc”. Tại đây, nhóm của Thuận đã yêu cầu Duy viết giấy xác nhận nợ cho mình thì Công an thị trấn Long Thành xuất hiện đưa những người liên quan về đồn công an làm việc.
Không chỉ có các vụ việc nêu trên, theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ bắt giữ người trái pháp luật (tăng 5 vụ so với năm trước). Nguyên nhân của các vụ việc này chủ yếu là bắt người để đòi nợ, giải quyết mâu thuẫn trong làm ăn.
* Hành vi vi phạm pháp luật
Theo Công an tỉnh, qua thực tế điều tra các vụ việc bắt giữ người trái pháp luật phần lớn xuất phát từ mâu thuẫn đời sống xã hội như: quan hệ tình cảm, làm ăn kinh tế, vay mượn nợ... Các đối tượng chủ mưu trong những vụ việc này thường có quan hệ, quen biết với nạn nhân. Tuy nhiên, đối tượng thực hiện hành vi này lại có thể là người quen hoặc người xa lạ (do kẻ chủ mưu thuê mướn, lôi kéo...).
Cũng theo Công an tỉnh, trên thực tế nhiều người sau khi không đòi được nợ, không giải quyết được chuyện tình cảm... đã không dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết. Trái lại họ đã dùng các quan hệ xã hội khác như: nhờ các đối tượng “xã hội đen” để gây áp lực; “khủng bố” bằng các thủ đoạn khác để đòi nợ... Trong khi đó, những nạn nhân thường là người yếu thế do sợ hãi hoặc vì một mối quan hệ nào đó đã không dám tố cáo đến cơ quan chức năng. Chính thực tế này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.
Để phòng tránh xảy ra tình trạng này, ông Lê Nguyễn Thắng, Trưởng phòng 2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khuyến cáo, chính những người trong cuộc (kể cả đối tượng và nạn nhân) cần phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về pháp luật để không vi phạm pháp luật. Khi phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, người dân cần phải bình tĩnh để giải quyết. Trong trường hợp không tự giải quyết được thì phản ảnh đến các cấp chính quyền để được hỗ trợ; đồng thời, người dân có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
Để người dân nhận thức đúng đắn về pháp luật, theo ông Thắng công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật cần phải được chú trọng nâng cao hơn. Trong đó đặc biệt là những kiến thức pháp luật cơ bản về các vấn đề thường phát sinh trong xã hội.
Ở góc độ các cơ quan tư pháp, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng cần phải tăng cường công tác điều tra, xử lý và đưa các vụ án về tội phạm này ra xét xử nghiêm trước cộng đồng dân cư để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Trần Danh