Ngày 12-8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ 2 đối tượng đánh gây thương tích một bác sĩ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) vào ngày 22-5-2018.
Ngày 12-8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ 2 đối tượng đánh gây thương tích một bác sĩ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) vào ngày 22-5-2018.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử phúc thẩm |
Theo đó, TAND tỉnh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 137/2019/HS-ST ngày 26-3 của TAND TP.Biên Hòa, giao toàn bộ hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo quy định pháp luật. Nguyên nhân do kết luận giám định tỷ lệ thương tích áp dụng chưa đúng theo quy định.
* Vô cớ đánh người
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Biên Hòa, vào ngày 22-5-2018, ông Nguyễn Thế Vinh (54 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa; là bác sĩ tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2) đang ngồi ăn tại quán phở Sơn (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thì Nguyễn Thành Tâm (30 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) và Đào Thắng Hoàng Vũ (31 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đeo khẩu trang che mặt cũng vào quán. Tâm đến gần nhìn vào mặt ông Vinh rồi đấm vào đầu ông Vinh. Trong quá trình xô xát, Vũ dùng khay nhựa đựng gia vị hất vào mặt ông Vinh, còn Tâm lấy ghế nhựa đánh nhiều cái vào đầu ông Vinh gây chảy máu.
Tâm và Vũ bỏ chạy thì bị người dân cùng lực lượng công an bắt giữ, ông Vinh được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó, ông Vinh làm đơn yêu cầu xử lý hình sự các đối tượng Tâm và Vũ về hành vi cố ý gây thương tích.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Tâm và Vũ không quen biết và không có mâu thuẫn với ông Vinh. Cả hai đối tượng quanh co không khai nhận động cơ, mục đích đánh ông Vinh và người thuê mướn để thực hiện hành vi.
Tại bản án sơ thẩm ngày 26-3, TAND TP.Biên Hòa tuyên Tâm và Vũ cùng mức án 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. TAND TP.Biên Hòa nhận định hành vi của hai bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo có chủ ý và sự chuẩn bị từ trước nên đánh ông Vinh gây thương tật tỷ lệ 14%.
Sau đó, hai bị cáo Tâm và Vũ đã làm đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số 137/2019/HS-ST ngày 26-3 của TAND TP.Biên Hòa.
* Kết luận giám định thương tích áp dụng chưa đúng
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 12-8, kiểm sát viên Phan Hoàng Quân (VKSND tỉnh) phân tích, trong vụ án này có tới 2 bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y Đồng Nai (thuộc Sở Y tế). Các bản kết luận giám định này có một số điểm chưa đủ cơ sở pháp lý.
Trong đó, bản kết luận giám định pháp y số 0393/GĐPY/2018 ngày 23-5-2018 có nội dung thể hiện hành vi của hai bị cáo đã để lại vết thương vùng đỉnh - thái dương phải kích thước 3cm gây chấn động não, đo điện não thể hiện hội chứng suy nhược sau chấn thương sọ não. Từ đó xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của ông Vinh là 3%.
Tuy nhiên, cũng cùng vết thương và nội dung kết luận giám định như cũ nhưng bản kết luận số 0814/TgT/2018 ngày 10-10-2018 của Trung tâm pháp y Đồng Nai lại kết luận: vết thương vùng đỉnh - thái dương phải để lại sẹo kích thước 4x0,2cm có tỷ lệ 3% và “Hội chứng suy nhược sau chấn động não đã điều trị ổn định” (áp dụng Chương I, Điều 2, Mục 2 Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần) có tỷ lệ 11%. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định đối với ông Vinh là 14%.
Đồng quan điểm với đại diện VKSND tỉnh, luật sư Nguyễn Đức, Đoàn Luật sư Đồng Nai - bào chữa cho hai bị cáo cũng cho rằng, tại Mục 2, Điều II, Chương I Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế chỉ quy định nội dung: “Rối loạn tâm thần sau chấn động não đã điều trị ổn định”, chứ không có quy định “Hội chứng suy nhược sau chấn động não đã điều trị ổn định”. Do đó, theo luật sư Đức, kết luận giám định số 0814/TgT/2018 không căn cứ theo quy định của pháp luật, không có giá trị pháp lý.
Về vấn đề này, ngày 30-7, Sở Y tế đã có văn bản khẳng định, bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 0814/TgT/2018 của Trung tâm pháp y Đồng Nai, áp dụng Mục 2, Điều II, Chương I, Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế cho “Hội chứng suy nhược sau chấn động não đã điều trị ổn định” là chưa đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định quan điểm của VKSND tỉnh và bào chữa của luật sư là có căn cứ pháp luật. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cũng xác định, theo bản kết luận giám định số 0393/GĐPY/2018 của Trung tâm pháp y Đồng Nai có đề nghị cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định bổ sung sau 1 tháng nếu bệnh nhân còn đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nhưng cơ quan điều tra và ông Vinh không có ý kiến. Mãi đến ngày 27-8-2018 (sau hơn 3 tháng) ông Vinh mới có đơn yêu cầu giám định bổ sung và ngày 3-9-2018, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung là không hợp lý.
Từ những lý do nêu trên, TAND tỉnh tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.Biên Hòa để điều tra lại.
Nhật Minh