Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử án

10:08, 09/08/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng án tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh thụ lý tăng cao, trong khi biên chế, thẩm phán không tăng, chưa được bổ sung kịp thời đã gây ra nhiều khó khăn, áp lực trong việc giải quyết các vụ, việc của ngành tòa án.

Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng án tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh thụ lý tăng cao, trong khi biên chế, thẩm phán không tăng, chưa được bổ sung kịp thời đã gây ra nhiều khó khăn, áp lực trong việc giải quyết các vụ, việc của ngành tòa án.

Tòa án nhân dân hai cấp đang đẩy mạnh giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua thương lượng, hòa giải. Trong ảnh: Tổ hòa giải của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa làm việc với các đương sự
Tòa án nhân dân hai cấp đang đẩy mạnh giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua thương lượng, hòa giải. Trong ảnh: Tổ hòa giải của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa làm việc với các đương sự

Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, mặc dù thiếu biên chế, nhất là thẩm phán nhưng trong thời gian qua, TAND hai cấp đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xét xử, chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyên môn.

* Chất lượng giải quyết án hình sự tăng

Theo đánh giá của TAND tỉnh, chất lượng giải quyết án hình sự ngày càng được nâng cao, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đến nay, TAND hai cấp chưa để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Đối với án hình sự, TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử chấp hành đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật. Từ đầu năm 2019 đến nay, TAND hai cấp đã giải quyết gần 1 ngàn vụ với hơn 1,5 ngàn bị cáo (thụ lý hơn 1,3 ngàn vụ/hơn 2,1 ngàn bị cáo).

Thẩm phán Bùi Kim Rết, Phó chánh văn phòng TAND tỉnh cho biết, để có được kết quả này ngành tòa án luôn nêu cao trách nhiệm trong thực hiện quy chế liên ngành, đặc biệt với các vụ án lớn, trọng điểm phức tạp được dư luận quan tâm. Qua đó hạn chế tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng, do vậy chất lượng giải quyết án hình sự ngày càng tăng cao.

Riêng các vụ án tham nhũng, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành tòa án đã thụ lý 11 vụ/18 bị cáo (đã giải quyết 8 vụ/10 bị cáo)… Các vụ án tham nhũng do TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử đều chấp hành đúng và đầy đủ các quy định về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục.

* Vướng mắc trong giải quyết án dân sự

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xét xử án của TAND hai cấp cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như tỷ lệ giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình chưa cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, TAND hai cấp thụ lý hơn 11,9 ngàn vụ, việc (tăng hơn 1500 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2018); đã giải quyết hơn 6,2 ngàn vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 52%). Hiện vẫn còn hơn 5,6 ngàn vụ, việc chưa giải quyết, chủ yếu liên quan đến án dân sự, hành chính.

Đối với án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, tính từ đầu năm 2019 đến nay, TAND hai cấp đã thụ lý hơn 10 ngàn vụ, việc (so với cùng kỳ năm 2018 tăng hơn 1,3 ngàn vụ, việc). Trong khi đó, mới giải quyết được hơn 5,2 ngàn vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 50,6%). Riêng đối với án hôn nhân và gia đình, ngành tòa án đã giải quyết được hơn 4 ngàn/ hơn 5,8 ngàn vụ, việc.

Thẩm phán Bùi Kim Rết phân tích, số lượng án dân sự ngày càng tăng cao, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến đất đai. Phần lớn nguyên nhân do thời gian qua giá đất tăng nhanh, việc chuyển nhượng đất chưa tuân thủ về hình thức và pháp lý, các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp. Trong khi đó, quy định pháp luật về quản lý đất đai và chính sách bồi thường khi thu hồi đất qua các thời kỳ có những thay đổi khác nhau làm cho án giải quyết tranh chấp đất gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

“Từ năm 2016 đến nay, lượng án tăng cao, trung bình mỗi thẩm phán phải giải quyết 10 vụ/tháng. Như vậy nếu tính theo số ngày làm việc, tính trung bình 2 ngày mỗi thẩm phán phải giải quyết xong 1 vụ án. Thời gian thu thập chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ quá ít, trong khi số lượng án thụ lý tăng cao, gây áp lực rất lớn cho thẩm phán” - thẩm phán Bùi Kim Rết nói.

Về vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, trong thời gian qua, việc giải quyết án dân sự (kể cả án hành chính) đạt tỷ lệ chưa cao là tình hình chung trong hệ thống tòa án của cả nước. TAND tối cao cũng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ vấn đề này.

“TAND tỉnh cũng đã báo cáo tình hình khó khăn do thiếu thẩm phán cho Tỉnh ủy và TAND tối cao để tạo điều kiện cho đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thẩm phán. Bên cạnh đó quan tâm chỉ đạo và đôn đốc TAND hai cấp đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và nâng cao tỷ lệ giải quyết án” - Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước nói.

Để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới ngành tòa án sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử; khuyến khích giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra các vụ việc để đạt kết quả cao trong hoạt động xét xử nhằm đảm bảo phán quyết của tòa án đúng luật, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.   

Tố Tâm

Tin xem nhiều