Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) có nhiều quy định mới bảo vệ người tố cáo.
Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) có nhiều quy định mới bảo vệ người tố cáo.
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nhấn mạnh, Luật Tố cáo năm 2011và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu chỉ đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Những hạn chế, bất cập nêu trên đã được Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản dưới luật kịp thời khắc phục, điều chỉnh.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Cửu cấp phát tài liệu tuyên truyền về các luật mới có hiệu lực cho người dân xã Vĩnh Tân. Ảnh: Đ.PHÚ |
* Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Cụ thể, Luật Tố cáo năm 2018 quy định các quyền cho người tố cáo như: thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết.
Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định người tố cáo có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo.
Luật sư Nguyễn Đức cho biết, bên cạnh các quyền, Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin cá nhân theo quy định; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
* Bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể 3 biện pháp bảo vệ người tố cáo như: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
Luật Tố cáo năm 2018 quy định xem xét bố trí công tác khác cho người tố cáo (nếu có sự đồng ý của họ) để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. |
Về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin, Luật Tố cáo năm 2018 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố cáo.
Theo đó, phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp; lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo; bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.
Về biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, Luật Tố cáo năm 2018 quy định: tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ.
Về biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, Luật Tố cáo năm 2018 yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 quy định rõ, phải tạm thời di chuyển người tố cáo đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người tố cáo tại nơi cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo.
Sau khi Luật Tố cáo năm 2018 ra đời và có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ- CP (gọi tắt là Nghị định 31) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Tố cáo năm 2018. Nghị định này hướng dẫn cụ thể việc bảo vệ người tố cáo, trong đó nêu rõ, trong trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo phải đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh cho rằng, Nghị định 31 hướng dẫn nhiều cách để bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Đoàn Phú