Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn những vi phạm trong hành nghề luật sư

10:08, 12/08/2019

Qua thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức hành nghề luật sư năm 2019, Đoàn thanh tra Sở Tư pháp đánh giá, ngoài những mặt được, tích cực vẫn còn vài tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật về luật sư.

Qua thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức hành nghề luật sư năm 2019, Đoàn thanh tra Sở Tư pháp đánh giá, ngoài những mặt được, tích cực vẫn còn vài tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật về luật sư.

Hiện nay, số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 luật sư với 110 tổ chức hành nghề luật sư (81 văn phòng luật sư, 29 công ty luật).

* Còn những vi phạm

Luật sư Phan Thiên Vượng, Phó ban chủ nhiệm phụ trách Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, thông qua hoạt động nghề nghiệp, đội ngũ luật sư tỉnh đã giúp cộng đồng xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò pháp luật trong đời sống.

Trong 5 năm (2014-2019), Hội đồng Thi đua khen thưởng, kỷ luật Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo 1 luật sư do vi phạm trong hành nghề và trợ giúp pháp lý; khiển trách và tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư tỉnh 6 tháng đối với 1 luật sư về vi phạm hoạt động hành nghề; xóa kết quả và thời gian tập sự 1 luật sư tập sự vi phạm quy chế tập sự.

“Các tổ chức hành nghề luật sư phát triển cũng góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho việc thu hút đầu tư, kinh doanh và thương mại trên địa bàn tỉnh” - luật sư Vượng cho hay.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt được, tích cực nêu trên, một số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh cũng còn để xảy ra sai phạm đáng tiếc. Theo ghi nhận của đoàn thanh tra của Sở Tư pháp, một số vi phạm phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư như: hoạt động không đúng địa chỉ trụ sở đã đăng ký trong giấy đăng ký hoạt động do Sở Tư pháp cấp; khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý trong hợp đồng không ghi điều khoản quy định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của các bên; thực hiện hành vi làm chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Theo Thanh tra Sở Tư pháp, một trong những vi phạm thường gặp trong tổ chức hành nghề luật sư là việc luật sư thực hiện hành vi làm chứng trong các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sai luật và gây ngộ nhận cho tổ chức, cá nhân về công chứng hợp đồng, giao dịch thuộc chuyên môn, lĩnh vực của tổ chức hành nghề công chứng. Đây cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trái luật mà người dân, tổ chức cần cảnh giác để tránh hậu quả.

* Kiên quyết xử lý vi phạm

Vừa qua Thanh tra Sở Tư pháp đã tiến hành thanh tra 12 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn về các nội dung: trụ sở hoạt động, thành lập và thay đổi địa chỉ; việc sử dụng, quản lý giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề, thẻ luật sư; niêm yết bảng giá dịch vụ pháp lý, thực hiện mua bảo hiểm nghề  nghiệp cho luật sư của tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy phép đăng ký hoạt động; lập danh sách kế toán, hóa đơn, chứng từ và thực hiện việc khai báo thuế, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước...

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Tư pháp đã phát hiện một số vi phạm nêu trên và có nhắc nhở, chấn chỉnh đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm cam kết không tái phạm. Sở Tư pháp cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 15,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động 1 tháng đối với 2 tổ chức hành nghề luật sư có vi phạm.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Tư pháp đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh tăng cường vai trò tự quản của tổ chức hành nghề luật sư; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các luật sư thực hiện hành vi làm chứng trong các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây ngộ nhận cho tổ chức, cá nhân về công chứng hợp đồng, giao dịch.

Theo Phó giám đốc, Chánh thanh tra Sở Tư Pháp Ngô Văn Toàn, để hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư ngày càng tốt hơn, Sở Tư pháp phối hợp với Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hành nghề luật sư; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, được nhắc nhở nhưng tái phạm; bồi dưỡng pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích