Thời gian gần đây, rào chắn đường sắt tại km1697+910 (đoạn giao với đường Võ Thị Sáu, qua phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thường xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện lưu thông với tốc độ cao, không làm chủ tay lái tông vào rào chắn khi tàu hỏa đến.
Thời gian gần đây, rào chắn đường sắt tại km1697+910 (đoạn giao với đường Võ Thị Sáu, qua phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thường xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện lưu thông với tốc độ cao, không làm chủ tay lái tông vào rào chắn khi tàu hỏa đến.
Dù rào chắn chưa được kéo hết khi tàu qua, nhưng nhiều người điều khiển xe máy đã chạy qua tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: T.HẢI |
Theo Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, từ năm 2018 đến nay, khu vực này đã xảy ra 5 vụ người điều khiển xe máy đâm vào rào chắn gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
* Giỡn mặt “tử thần”
Gần nhất là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra vào khuya 5-8 khiến anh Nguyễn Minh (25 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) tử vong sau khi tông vào rào chắn. Vào thời điểm trên, anh Minh điều khiển xe máy với tốc độ cao đâm mạnh vào rào chắn trên đường Võ Thị Sáu khiến rào chắn bị gãy còn nạn nhân văng vào đường sắt. Lúc này đoàn tàu đang lao tới đã tông vào khiến anh Minh tử vong tại chỗ.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam vừa phát đi văn bản kêu gọi mỗi người dân hãy dừng lại quan sát trước khi qua khu vực đường ngang, lối đi tự mở, để tránh các tai nạn đáng tiếc. Theo đó, nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt - đường bộ. |
Trước đó, vào tối 3-6, anh Nguyễn Minh Quân (31 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Võ Thị Sáu, hướng từ ngã tư Lạc Cường đến đường Hà Huy Giáp. Khi tới khu vực trên, người này đã tông thẳng xe máy vào rào chắn khi đoàn tàu đang lao tới cách hiện trường khoảng 100m.
Dù nạn nhân may mắn thoát chết nhưng cú tông mạnh làm một phần rào chắn đường sắt với chiều dài khoảng 6m bị gãy gập và không sử dụng được, phải 1 ngày sau rào chắn mới được ngành đường sắt sửa chữa xong.
Bà Trịnh Thu Liễu, nhân viên trực gác chắn tại khu vực trên lý giải rào chắn liên tục bị xe máy tông gãy là do tuyến đường Võ Thị Sáu có rất nhiều quán nhậu hoạt động xuyên đêm. Thời điểm từ 23 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau, không hiếm cảnh các “bợm” nhậu lái xe trong tình trạng say xỉn lưu thông với tốc độ cao. Gặp lúc rào chắn đang kéo ra, nếu không chú ý quan sát thì rất dễ tông vào.
Từ đầu năm 2019 đến nay, bà Liễu đã 2 lần chứng kiến người chạy xe máy lao trực diện vào rào chắn khi đoàn tàu đến. Trong đó, vào tối 3-6, khi cả người và xe anh Quân làm gãy rào chắn, xô đổ ra đường, bà đã cùng một số người dân gần đó kịp thời kéo ra khỏi khu vực đường ray. Sau sự việc này, ngành đường sắt phải cử thêm người đến hỗ trợ nhân viên gác chắn làm nhiệm vụ phòng vệ và đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng làm công việc trực gác chắn tại vị trí trên, bà Lê Thị Hương cho biết thêm, mỗi lần phải gác trực ban đêm họ phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị cảnh báo. Trong đó, từ chuông điện, đèn cảnh báo đến đèn tín hiệu hoạt động liên tục không dừng. Khi có tàu sắp tới đường ngang, đèn tín hiệu bật sáng, chuông reo lên nhằm cấm phương tiện đi lại qua đường ngang. Tuy nhiên, với những người điều khiển xe trong trạng thái say xỉn, tinh thần không tỉnh táo thì chẳng mấy hiệu quả.
* Tăng cường tuyên truyền
Luật Giao thông đường bộ quy định, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua…
Hiện trường vụ xe máy tông vào rào chắn đường sắt trên đường Võ Thị Sáu vào tối 5-8. Ảnh: T.HẢI |
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người phớt lờ quy định này. Hậu quả là không ít trường hợp người điều khiển phương tiện lao vào rào chắn đã đóng lại. Khi họ bị kẹt trong khung gác chắn, nếu tàu không dừng lại kịp, nguy cơ xảy ra va chạm giao thông rất cao.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cho hay, hiện vẫn còn nhiều người tham gia giao thông không ý thức được điều này. Không chỉ tại gác chắn trên đường Võ Thị Sáu mà ở nhiều vị trí khác, nhiều người cố tình vượt lên ngay cả khi đã có tín hiệu báo tàu đến, thậm chí tự tay kéo rào chắn để có thể băng qua đường ray khi tàu vừa đi khỏi.
Để ngăn chặn tai nạn và cảnh báo từ xa cho người dân tại khu vực gác chắn này, trước mắt ngành đường sắt đã tiến hành lắp dải phân cách mềm (phát sáng vào ban đêm) một đoạn dài khoảng 30m ở hai đầu đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, về lâu dài với những khu vực gác chắn thường xuyên xảy ra phương tiện đâm va vào rào chắn hoặc cản trở giao thông, ngành đường sắt đã làm việc với địa phương đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền để người dân chấp hành.
“Để tránh xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm người vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe. Vì hành vi vượt rào chắn, tông vào rào chắn khi tàu đang đến không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây cản trở giao thông đường sắt” - ông Nguyễn Đình Đảng nhấn mạnh.
Thanh Hải