Cùng với sự phát triển của internet, mô hình nhóm, diễn đàn trực tuyến đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang thu hút sự tham gia của người cùng sở thích. Từ những "sân chơi chung" này, thành viên tham gia đã góp phần mang lại một số giá trị vật chất và tinh thần thiết thực.
Cùng với sự phát triển của internet, mô hình nhóm, diễn đàn trực tuyến đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang thu hút sự tham gia của người cùng sở thích. Từ những “sân chơi chung” này, thành viên tham gia đã góp phần mang lại một số giá trị vật chất và tinh thần thiết thực.
Nhưng bên cạnh đó, hiện tượng lợi dụng diễn đàn chia sẻ kiến thức để thực hiện những mục đích thiếu trong sáng, trục lợi, truyền bá quan điểm tiêu cực, sai trái cũng đang có nguy cơ xuất hiện ngày một nhiều, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, ngăn chặn kịp thời.
Mấy năm gần đây, tưởng chừng sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội đã góp phần đưa đến kết cục bị “xóa sổ” của các diễn đàn trực tuyến tại Việt Nam khi hàng loạt các trang web hàng đầu cung cấp dịch vụ này như: yeuamnhac.com, dienanh.net, hoahoctro.com... đã phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên trái lại với xu thế đó, vẫn có một số diễn đàn như: Tinhte.vn, Spiderum.com, Otofun.net,... tiếp tục “sống khỏe” với lượng thành viên tăng đều đặn và ổn định. Cùng với đó là sự hồi sinh của các diễn đàn từng vắng bóng một thời, điển hình là Vozforum với hàng triệu thành viên. Chưa kể, trong thực tế, vẫn có hàng ngàn người Việt Nam đang là thành viên của các diễn đàn trực tuyến lớn trên thế giới như Reddit hay Quora.
So với mạng xã hội, tốc độ chia sẻ là nhược điểm của các diễn đàn trực tuyến truyền thống. Song bù lại, thế mạnh của những diễn đàn này lại chính là khả năng lưu trữ chủ đề, bài viết, thông tin - những giá trị mà fanpage, group trên Facebook, Twitter chưa thể làm được. Hơn nữa, khác với fanpage, group trên các trang mạng xã hội thường bị “loãng” bởi các bài đăng quảng cáo, trào lưu phản cảm, những diễn đàn trực tuyến thu hút người truy cập bằng nhiều lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu, đặc biệt.
Cùng một số ưu điểm nêu trên, sự ủng hộ từ cộng đồng các thành viên trung thành lâu năm cũng góp phần không nhỏ trong việc duy trì sự tồn tại của các internet forum.
Ðể tồn tại trước sự “tiến công” của mạng xã hội, thay vì “đóng kín” phạm vi tương tác của mình, các diễn đàn trực tuyến cũng chủ động hơn trong việc kết nối ảnh hưởng của họ đến Facebook, Youtube. Không chỉ vậy, để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết và chia sẻ kinh nghiệm, một số cộng đồng lớn mạnh như: Otofun, Tinhte còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu trực tiếp giữa ban quản trị, thành viên chủ chốt với người mới gia nhập. Không khí “gia đình lớn” như vậy đã giúp các diễn đàn trực tuyến vẫn là đối trọng lớn so với “người khổng lồ” mạng xã hội.
Dù vậy, các diễn đàn trực tuyến tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cũng đang đối mặt với không ít thách thức mới mà đáng lo nhất là sự tham gia của các thành viên cực đoan. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của diễn đàn, gây mất đoàn kết giữa thành viên tham gia, mà còn đưa đến không ít tác động xấu gây bức xúc trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn là hiện tượng lợi dụng tranh luận, đối thoại để truyền bá các nội dung kích động, gây thù hằn dân tộc, chia rẽ vùng miền. Hiện tượng nguy hiểm này dù không phải phổ biến nhưng nhìn chung hầu như ít nhiều đều diễn ra ở hầu khắp các diễn đàn tại Việt Nam hiện nay. Tiêu biểu như lời bình luận vô ý thức của C.H. - quản trị viên của diễn đàn Tinhte, khi viết: “Trên đời này chỉ có hai loại người: người tốt và người Thanh Hóa”! Trước đó, người đàn ông “quyền lực” của diễn đàn này cũng đã không ít lần bị tẩy chay vì cung cách nói chuyện hồ đồ và cảm tính của mình.
Việc nhanh chóng có giải pháp quản lý phù hợp, chấn chỉnh kịp thời những chuệch choạc nâng cao chất lượng của diễn đàn trực tuyến, kiên quyết ngăn chặn và thẳng tay loại bỏ diễn đàn xấu, độc, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm nghiêm trọng về pháp luật… sẽ góp phần quan trọng để không gian mạng trở thành môi trường trong sạch và an toàn đối với mọi người sử dụng. |
Tranh luận bình luận, lợi dụng diễn đàn đưa ra ý kiến cá nhân thiếu văn hóa, phản cảm không phải là hiện tượng xấu duy nhất xảy ra trên những diễn đàn lớn. Bởi, cũng như mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến cũng thường xuyên phải đối mặt với thông tin giả mạo, bài viết ngụy khoa học, chủ đề lệch lạc về nhận thức, lối sống. Nguy hiểm hơn, các bài viết này lại thường nhận được sự tán đồng, hùa theo từ một số người trẻ tuổi, đại loại như: “Nếu không muốn tư duy tồi thì đừng tư duy theo tiếng Việt, Cữ Việt xôq kần sửa, điều cần sửa là cả tiếng Việt” (Chữ Việt không cần sửa, điều cần sửa là cả tiếng Việt), “Sự đói khát thứ văn xuôi tai, hay là không phải cứ biết chữ thì đọc được văn chương”… của thành viên Tornad (Tuấn Linh) trên diễn đàn Spiderum. Là một dịch giả trẻ nhưng suy nghĩ của Tornad khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi anh này tỏ ra xem thường chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình với ý kiến cho rằng: tiếng Việt ảnh hưởng không tốt đến cách ta tư duy vì… tư tưởng phân chia vai vế ngấm quá sâu, cái bản ngã không bao giờ được tồn tại độc lập...
Trên thực tế, không ít các bài viết, ý kiến ngụy khoa học, phản khoa học như vậy tràn ngập trên nhiều diễn đàn hiện nay nguy cơ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực tới người đọc, nhất là với những đối tượng trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, sự chín chắn. Người đọc dễ dàng bắt gặp những chủ đề mơ hồ, thiếu kiểm chứng như: thực dưỡng chữa ung thư, antivaccine (chống tiêm vaccine), giáo dục tại gia (homeschool). Ðó là chưa kể từ lâu, một số diễn đàn trực tuyến là “điểm đen”, được biết đến như là các trung tâm môi giới mại dâm, quảng bá cờ bạc, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, thậm chí chất gây nghiện, thức thần.
Ðể che mắt cơ quan chức năng, người tổ chức các diễn đàn này thực hiện nhiều thủ đoạn như: đặt máy chủ tại nước ngoài, đổi tên diễn đàn, tên miền truy cập, cài đặt đường link ẩn... Vì vậy, sau nhiều đợt truy quét gắt gao, các diễn đàn này vẫn có thể tiếp tục “sống” hoặc phục hồi tiếp tục gây hại đến xã hội. Chẳng hạn, sau khi dừng hoạt động một thời gian, những thành viên cũ của diễn đàn đầy tai tiếng Triethocduongpho (Triết học đường phố) tiếp tục đăng tải nhiều bài viết ca ngợi, khuyến khích thành viên sử dụng các thứ ma túy như: nấm thức thần (magic mushroom), LSD (thuốc gây ảo giác), cần sa. Theo quan điểm của ban quản trị “Triết học đường phố”, chất thức thần giúp con người “biết nhìn thế giới khác đi, hiểu hơn về các giác quan, hiểu hơn về cách thả lỏng và thực sự thư giãn”. Táo tợn hơn, ban quản trị một số diễn đàn khác còn tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, giao lưu công khai để lôi kéo thêm thành viên mới nhằm phục vụ các mục đích thiếu trong sáng, thậm chí là vi phạm pháp luật; mà điển hình là trường hợp một diễn đàn khiêu dâm dành cho người Việt ở trong và ngoài nước khi thường xuyên tổ chức các sự kiện trao giải cho các văn hóa phẩm đồi trụy.
Không thể phủ nhận sự đóng góp của các diễn đàn trực tuyến với những thành viên tham gia nói riêng và xã hội nói chung. Bởi lẽ những diễn đàn này đã góp phần tạo thêm sân chơi để người dân chia sẻ đam mê, sở thích cá nhân, kết nối cộng đồng, khuyến khích, phát huy sự sáng tạo cùng nhiều phẩm chất khác. Nhiều quan điểm, bài học quý từ các thành viên trong một số diễn đàn đã được tập hợp để xuất bản và trở thành những cuốn sách có giá trị cho cộng đồng như tập sách Du học ký: Vạn dặm có chi? khai thác từ diễn đàn Spiderum. Hoặc phản ánh tích cực từ phía các thành viên diễn đàn Otofun đã có những ảnh hưởng nhất định, góp phần nâng cao kiến thức, văn hóa giao thông hiện nay. Ðóng góp từ nhiều thành viên Việt Nam trên các diễn đàn toàn cầu như Reddit hay Quora đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao sự hiểu biết của người nước ngoài đối với Việt Nam. Ðó là những cơ sở vững chắc để các diễn đàn trực tuyến tiếp tục tồn tại và phát triển, duy trì và phát huy ảnh hưởng lên cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, văn hóa tham gia các diễn đàn trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề như: sự lỏng lẻo của ban quản trị, quy định chưa nghiêm túc và thiếu tính răn đe... Ngoài ra, tình trạng ngang nhiên, nhởn nhơ tồn tại của một số diễn đàn xấu cũng làm dấy lên mối lo ngại trong dư luận, nhất là những bậc phụ huynh khi con em họ có thể thoải mái truy cập các nội dung xấu mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Trong bối cảnh văn hóa sử dụng mạng xã hội đang được nâng cao, ngày càng trở nên quy củ, lành mạnh hơn bởi ý thức của cộng đồng và các đơn vị quản lý, mối quan tâm dành cho các diễn đàn trực tuyến dường như lại đang bị buông lỏng, xem nhẹ, thậm chí bỏ qua. Vô hình trung, điều này đã tạo điều kiện cho một số diễn đàn phát triển tự phát, mất kiểm soát, hoặc tạo “lỗ hổng” cho những diễn đàn có nội dung độc hại có điều kiện xuất hiện nhằm thực hiện các mưu đồ thiếu trong sáng. Nguy hiểm hơn, từ những diễn đàn này, một số kẻ xấu đã lợi dụng liên kết với mạng xã hội, công cụ để chúng vươn dài “vòi bạch tuộc”, tác động và ảnh hưởng lên các kênh trực tuyến khác, tiếp tục gây thêm nhiều hệ lụy xấu.
Việc ngăn chặn nhanh chóng, hiệu quả các diễn đàn xấu hoạt động do vậy đòi hỏi phải có sự tham gia từ nhiều bên, mà trước hết là ý thức tuân thủ pháp luật của các thành viên tham gia diễn đàn, các nhà cung cấp dịch vụ internet, lực lượng an ninh mạng. Vì chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thì môi trường mạng mới có thể từng bước được lành mạnh hóa, góp ích cho cộng đồng.
Theo nhandan.com.vn